Trích dẫn các thông tin từ Bộ Y tế và báo chí chính thống, tờ The Guardian cho biết, bệnh nhân 43 tuổi người Anh, phi công của Vietnam Airlines đang phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ đặc biệt và được chữa trị tích cực trong thời gian qua.
Tại cuộc họp mới nhất, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19 cho biết, Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi. Đây là bệnh nhân nặng nhất, 2 phổi đông đặc, diễn biến bệnh bất thường, phức tạp. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - phản ứng miễn dịch dữ dội - tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Do bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho bệnh nhân này.
Trước đó, trong tháng 3, đội ngũ y tế tại Trung Quốc cũng công bố đã thành công trong việc ghép phổi cho một bệnh nhân 59 tuổi nhiễm Covid-19 tại tỉnh Giang Tô, theo Global Times. 2 bệnh nhân khác cũng được ghép phổi tại Vũ Hán.
Tờ The Guardian đưa tin, Việt Nam, quốc gia với 96 triệu dân, chung đường biên giới với Trung Quốc, tới nay đã ghi nhận 288 ca bệnh Covid-19 và không có trường hợp tử vong, tất cả nhờ vào chiến lược theo dõi, kiểm tra dịch tễ sát sao, đưa ra thông điệp phòng vệ rõ ràng và hành động nhanh chóng.
Mọi đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh đều được theo dõi. Bất kỳ ai tung tin thất thiệt đều bị xử phạt.
Đáng chú ý, Việt Nam đã nâng cao được năng lực xét nghiệm, trong khi tổ chức cách ly tập trung quy mô lớn một cách hiệu quả. Vào đầu tháng 4, Việt Nam cách ly tập trung gần 70.000 người, bao gồm hơn 44.000 người tại các doanh trại quân đội và ký túc xá sinh viên. Mọi người dân trở về từ nước ngoài đều phải cách ly 14 ngày.
Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội cách đây 2 tuần và đã qua 22 ngày không có các ca lây nhiễm cộng đồng.
Bác sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam chia sẻ: “Chiến lược của Việt Nam là kiểm soát số lượng ca bệnh. Bởi vậy trong số các bệnh nhân được chữa trị, các ca bệnh nặng được giữ ở mức thấp, giúp hệ thống y tế không chịu áp lực nặng. Nhiều quốc gia có số lượng ca nhiệm bệnh cao, đi kèm với đó là nhiều ca bệnh nghiêm trọng”.