Thế giới vẫn bất ổn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu vừa giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, với nhiều bằng chứng cho thấy dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu.
Thế giới vẫn bất ổn

Giá dầu trên thị trường Mỹ giảm gần 10% trong tuần qua, xuống dưới 100 USD/thùng. Dữ liệu cho thấy, tiêu thụ xăng của Mỹ giảm, trong khi dự trữ dầu thô tăng. Sự sụt giảm này diễn ra ngay cả khi Ả Rập Xê út tăng giá bán và OPEC+ cảnh báo về công suất dự phòng rất ít.

Sau khi tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, diễn biến giá dầu thô đã đảo ngược cho đến nay. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực lạm phát ở mức cao đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, thúc đẩy các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Việc nhiều nước chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt đã làm dấy lên lo ngại trong các nhà đầu tư rằng, tăng trưởng sẽ chậm lại ở các nền kinh tế hàng đầu, ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ năng lượng.

Sự sụt giảm của giá dầu trong tuần qua một phần do sản lượng dầu thô của Libya đạt 1,2 triệu thùng/ngày, quay trở lại mức trước khi nhiều mỏ dầu bị đóng cửa trong thời gian khoảng 3 tháng (có thời điểm chỉ đạt khoảng 400.000 thùng/ngày) vì tình hình chính trị trong nước bất ổn. Bên cạnh đó, OPEC+ bao gồm Nga vừa đồng ý sẽ tăng nguồn cung dầu trong tháng 9/2022.

TS. Nick Sargen, Trường đại học Stanford (Mỹ) nhận xét, tình hình kinh tế thế giới hiện nay chưa từng thấy trong quá khứ. Lần đầu tiên trong thời hậu chiến, kinh tế toàn cầu phải hứng chịu hai cú sốc - thảm họa sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong 100 năm do dịch Covid-19 kết hợp với tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Hệ quả, kinh tế toàn cầu suy yếu và lạm phát tại nhiều nước tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Điều này tạo ra một môi trường thách thức cho các nhà hoạch định chính sách.

Từ giữa tháng 6/2022 đến nay, Fed đã có 2 lần tăng lãi suất, mỗi lần 0,75%, lên 2,25 - 2,5%/năm, thể hiện quyết tâm đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% từ mức 9,1% hiện tại. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, mức lãi suất có thể được nâng lên 3,8%/năm vào năm 2023.

Động thái Fed mạnh tay kiềm chế lạm phát dẫn đến những lo ngại về nguy cơ kinh tế suy thoái, nhất là khi dữ liệu GDP của Mỹ được công bố sau đó cho thấy, quý II/2022 tiếp tục tăng trưởng âm. Có thể đây là quý “suy thoái kỹ thuật” do thị trường việc làm được cải thiện tích cực. Tuy nhiên, dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động gần đây đã xuất hiện khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 30/7 tăng 6.000 người so với tuần trước đó, lên mức 260.000 người.

Thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ - sự kết hợp giữa kinh tế trì trệ và lạm phát cao.

Trong khi đó, ngày 21/7/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất 0,5%, lên 1,75%/năm, nhằm để giải quyết tình trạng lạm phát của khu vực đồng Euro đã tăng vọt lên 8,9%. Quyết định này thể hiện sự thắt chặt chính sách tiền tệ đầu tiên kể từ năm 2011, mặc dù niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp kỷ lục và nền kinh tế EU dễ bị tổn thương do nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt giảm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu, gọi đây là “triển vọng ảm đạm và không chắc chắn hơn”. Tổ chức này vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 3,2% năm nay và 2,9% năm sau, tương ứng với mức giảm 0,4% và 0,7% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro đang đình trệ. Trong đó, châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Từ ngày 11 - 21/7/2022, Nga đột ngột ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Mới đây, Công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga tuyên bố sẽ cắt giảm một nửa dòng khí đốt tự nhiên đến Đức, xuống còn 20% công suất.

Chuyên gia năng lượng Daniel Yergin cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn so với cú sốc dầu những năm 1970.

Theo IMF, nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, lạm phát sẽ tăng và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc xuống 2,6% trong năm nay và 2% vào năm sau.

Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định, thế giới có thể sẽ sớm tiến đến bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ 2 năm sau cuộc suy thoái gần nhất.

Quay trở lại đánh giá kinh tế thế giới của Nick Sargen, có một số điểm tương đồng với những năm 1970, nhưng cũng có những điểm khác biệt, đó là kỳ vọng lạm phát hiện thấp hơn và USD mạnh lên, ít nhất cũng cho thấy các nhà đầu tư không mất niềm tin vào Fed. Nếu kinh tế lớn nhất là Mỹ suy thoái thì mức độ có thể sẽ nhẹ nhàng.

Thị trường tài chính gần đây tăng điểm, nhưng rủi ro vẫn hiện hữu. Theo các chuyên gia, có những rủi ro toàn cầu cần xem xét, bao gồm xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá lương thực và năng lượng leo thang trở lại; tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc làm kéo dài sự gián đoạn chuỗi cung ứng và làm suy yếu kinh tế nước này...

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục