Khi Apple tìm đến
Đầu tuần này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc họp trực tuyến với Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Apple. Thông tin chi tiết không được tiết lộ, song nhìn vào chức danh của người đại diện Tập đoàn Apple, có thể suy đoán, cuộc làm việc này liên quan đến việc Apple muốn xây dựng chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Việc này trên thực tế đã được đồn đoán lâu nay và thực tế, nhiều nhà cung cấp cho Apple đã bắt đầu đặt chân đến Việt Nam.
Luxshare Precision và Goertek là những cái tên đã được nhắc đến. Năm ngoái, Công ty New Wing (có nhà máy ở Bắc Giang) đã nâng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 210 triệu USD để mở rộng năng lực sản xuất tai nghe cho Apple. Không chỉ là các linh kiện như tai nghe, các loại màn hình dành cho iPhone cũng đã được lên kế hoạch sản xuất tại Việt Nam…
Thực tế, chuyện Apple tìm kiếm cơ hội để mở rộng chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc đã được nhắc tới từ lâu, trước khi Covid-19 xảy ra. Đại dịch này làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đe dọa những “gã” khổng lồ đến từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… và khiến thế giới nhận ra mình đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Bởi thế, không chỉ Apple, nhiều tập đoàn lớn khác đã bắt đầu nhận ra sự cần thiết, thậm chí là sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thậm chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong thời điểm Covid-19 lan rộng, đã đề xuất xây dựng một nền kinh tế bớt phụ thuộc vào Trung Quốc để tránh tình trạng hệ thống cung ứng bị đứt gãy. Trong gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp được thông qua ngày 7/4, Chính phủ Nhật Bản còn kêu gọi tái lập chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng vì Covid-19. Gói này phân bổ hơn 240 tỷ yên (tương đương 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty Nhật Bản di dời cơ sở sản xuất về nước hoặc đưa đến các quốc gia Đông Nam Á.
“Khi chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại, đó là cơ hội cho Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cũng có quan điểm tương tự. Theo ông, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam từ năm ngoái, dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nay khi Covid-19 bùng phát, tác động mạnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu, thì xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Đúng là các công ty toàn cầu đã bắt đầu ngắm đến năng lực sản xuất, cung ứng của Việt Nam trước khi Covid-19 xảy ra, thậm chí là ngay cả trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đó là lý do Việt Nam đang dần trở thành công xưởng mới của thế giới, với sự xuất hiện của rất nhiều tập đoàn lớn.
Để vượt qua trở ngại, chúng ta cần sự hợp tác của Mỹ và các nước phương Tây về công nghệ và liên kết với các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh về sản xuất để đảm bảo quy mô lớn tương đương khi dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT
Samsung, LG… đều đã lần lượt dịch chuyển sản xuất về Việt Nam và coi Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của họ. Một số ngành sản xuất các sản phẩm cần nhiều lao động, như dệt may, da giày cũng đang dịch chuyển về Việt Nam. Nike, Adidas đang biến Việt Nam trở thành thị trường gia công hàng đầu các sản phẩm của họ…
Nhưng liệu Việt Nam có thể “vá” được lỗ hổng chuỗi cung ứng toàn cầu hay không? “Trở ngại lớn nhất của chúng ta chính là năng lực hấp thụ sự dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Trình độ công nghệ và nền công nghiệp phụ trợ để đảm bảo chuỗi cung ứng còn ở mức hạn chế”, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT nói.
Điều này trên thực tế được nhắc đến từ lâu. Những điểm yếu của Việt Nam thường được các chuyên gia nhắc tới là hạ tầng cơ sở còn hạn chế, đường sá, bến cảng luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, nguồn nhân lực tuy dồi dào, nhưng trình độ tay nghề còn hạn chế. Và quan trọng nhất, nguồn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc…
Năm ngoái, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều công ty đã có ý định biến Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, khi đi tìm kiếm các nhà cung ứng tại Việt Nam, sau một thời gian tìm hiểu, một doanh nghiệp đã đưa ra kết luận, các nhà máy Việt Nam chỉ cung cấp được vỏ nhựa, dây cáp và lắp ráp. Các bộ phận chính như mạch tích hợp thì vẫn phải nhập khẩu.
Ngay với ngành dệt may, da giày, vốn là một lợi thế rất lớn của Việt Nam, song phần lớn nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu. Rõ ràng, dù cơ hội rất lớn, nhưng không dễ để Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất mới bên cạnh Trung Quốc.