Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 16/2 (theo giờ Hà Nội), thế giới đã ghi nhận 109.763.386 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.420.724 ca tử vong. Gần 1/4 số ca nhiễm được ghi nhận tại Mỹ (28.317703 ca), nơi chiếm 1/5 số ca tử vong của thế giới (498.203 ca).
Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới (10.925.710 ca) nhưng Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (239.895 ca).
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu có nhiều ca nhiễm nhất, lần lượt là 32.437.569 ca và 32.379.133 ca. Châu Á đứng thứ ba với 24.130.435 ca nhiễm và Nam Mỹ đã có 16.978.787 ca.
Dịch đang diễn biến tích cực hơn tại Nga, Philippines và Thái Lan khi số ca mắc mới tại các nước này giảm. Tại Nga (điểm nóng dịch COVID-19 của châu Âu), số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 13.233 ca, mức thấp nhất kể từ ngày 10/10/2020.
Tương tự, Philippines (một trong hai điểm nóng nhất khu vực Đông Nam Á) đã có tín hiệu tích cực khi số ca mắc mới duy trì đà giảm. Tại Thái Lan, số ca mắc mới trong ngày cũng đã giảm xuống dưới 100, chỉ thêm 72 ca mắc.
Tuy nhiên, Indonesia vẫn ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới. Tình hình trên khiến Campuchia phải tăng cường kiểm soát biên giới nhằm chặn đứng tất cả các hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp và đảm bảo mọi trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan phải tuân thủ quy định về cách ly phòng dịch COVID-19.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc kéo dài thời gian cách ly bắt buộc đối với những người trở về từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể lây lan nhanh của virus gây bệnh COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.
Liên quan đến vắcxin, ngày 16/2, công ty PT Bio Farma Indonesia (Persero) thông báo đã bắt đầu xử lý 11 triệu liều vắcxin dạng nguyên liệu thô do công ty Sinovac Trung Quốc cung cấp. Sau ngày 20/3 tới, 9 triệu liều vắcxin sẽ sẵn sàng được phân phối và tiêm cho công chức trong lĩnh vực dịch vụ công theo lịch trình của chính phủ.
Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã đảm bảo có được 66,7 triệu liều vắcxin, đủ để tiêm chủng cho 109,65% dân số. Nước này sẽ sử dụng 6 loại vắcxin của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), AstraZeneca/Oxford (Anh/Thụy Điển), Sputnik V (Nga), Sinovac và CanSinoBIO (Trung Quốc).
|
Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 12/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN). |
Một quan chức cấp cao Bộ Y tế Nam Phi ngày 16/2 cho biết nước này có kế hoạch chia sẻ 1 triệu liều vắcxin của AstraZeneca/Oxford với các nước châu Phi khác thông qua Liên minh châu Phi (AU). Hồi đầu tháng này, Nam Phi đã ngừng tiêm vắcxin AstraZeneca được nhận từ Viện Serum của Ấn Độ cho các nhân viên y tế trong nước, sau khi dữ liệu cho thấy vắcxin chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp và nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở nước này.
Theo ông Anban Pillay, Nam Phi dự định bắt đầu tiêm phòng cho các nhân viên y tế bằng vắcxin của hãng Johnson & Johnson's ngay từ tuần này, còn lô vắcxin AstraZeneca sẽ được phân bổ cho các nước khác tại châu Phi thông qua AU.
Kazakhstan sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới tự sản xuất vắcxin Sputnik V của Nga sau khi công ty dược Karaganda Pharmaceutical Complex (KPC) được chính phủ cấp phép sản xuất. Người phát ngôn Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tài trợ phát triển loại vắcxin tiêm hai liều này, cho biết Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sẽ sản xuất tương tự.