“Thế giới Di động không phải là bếp ăn từ thiện để nuôi Bách hóa Xanh”
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động vào cuối năm 2016, sau gần 1 năm Bách hóa Xanh ra đời. Nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa ghi nhận đồng lợi nhuận ròng nào từ chuỗi bán lẻ thực phẩm này, vì hàng loạt kỳ vọng chưa được thực thi hiệu quả.
Cụ thể, mãi đến năm 2018, sau hơn 2 năm liên tục thử nghiệm Bách hóa Xanh, Ban lãnh đạo Thế giới Di động mới chọn được mô hình cửa hàng cần được nhân rộng (là 300 m2 thay vì diện tích nhỏ hơn trước đó) bằng cách di dời gần như toàn bộ những cửa hàng cũ nằm sâu trong khu dân cư ra các trục đường đông đúc hơn, tập trung hoàn thiện mô hình cửa hàng chuẩn “thịt tươi - cá lội”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tài từng đặt mục tiêu phải hoàn thiện “công thức chiến thắng” cho chuỗi trong năm 2017.
Sau đó, Thế giới Di động đặt ra mục tiêu là chậm nhất cuối tháng 12/2019, Bách hóa Xanh phải có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được tất cả chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối (DC), chưa bao gồm các chi phí ở cấp độ công ty. Nhưng kết quả, lợi nhuận sinh ra từ 1.008 cửa hàng tính đến cuối năm 2019 chưa thể bù đắp hoàn toàn chi phí vận hành các DC mới do mạng lưới cửa hàng ở tỉnh còn thưa thớt, các DC chưa hoạt động đủ công suất thiết kế.
Trong bối cảnh đó, Thế giới Di động đã phải bỏ ra nguồn lực rất lớn để tạo nên tăng trưởng 36 lần về số lượng cửa hàng và 85 lần về doanh thu cho chuỗi Bách hóa Xanh trong giai đoạn 2016 - 2020. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới Di động (phụ trách chuỗi Bách hóa Xanh) cho biết, khoản lãi kiếm được từ 20.000 tỷ đồng doanh thu tính đến cuối năm 2020 của chuỗi đã có thể bù đắp toàn bộ chi phí cửa hàng và DC trước khấu hao. Nhưng nếu khoản này trừ chi phí khấu hao và chi phí chung, thì lợi nhuận vẫn âm.
“Tôi rất tự tin rằng, kết quả làm ra của Bách hóa Xanh sẽ xử lý đủ để bù khoản chi phí chung trong năm 2021, còn chi phí sau khấu hao cần thêm năm 2022 nữa mới có thể xử lý được”, ông Doanh nói.
Ngoài vấn đề về lãi ròng, còn một số kỳ vọng được Ban lãnh đạo Thế giới Di động đặt ra cho Bách hóa Xanh, nhưng chưa đạt được. Đó là việc mở rộng phát triển 4KFarm - mảng chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn 4 không (không thuốc thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản và không sử dụng giống biến đổi gen) chậm nhịp so với bản kế hoạch được vẽ ra, vì hành vi của người tiêu dùng không được dự đoán chính xác.
Diện tích gieo trồng rau hiện có là khoảng 200.000 m2, chỉ đạt 1/5 mục tiêu tham vọng của Ban lãnh đạo Thế giới Di động. Ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận, việc phát triển 4KFarm chưa đạt kỳ vọng và quá trình mở rộng đang chững lại vì sức tiêu thụ các loại rau “4 không” còn chậm.
“Có vấn đề trong việc tiêu thụ, nên chúng tôi chủ động giảm tốc sự phát triển của 4KFarm. Sau khi vào thị trường này, chúng tôi mới thấy người tiêu dùng Việt Nam còn rất dễ tính trong lựa chọn sản phẩm khi ra chợ mua rau bị nhiễm, bị phun xịt thuốc bảo vệ thực vật không kiểm soát và xem đó là việc bình thường”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Ngoài ra, việc rà soát quy trình xử lý và tăng hiệu quả các khâu trong chuỗi cung ứng hàng tươi sống là một trong 2 nhiệm vụ chính được HĐQT Thế giới Di động đặt ra từ năm 2019 để cải thiện biên lợi nhuận gộp, nhưng đến nay, công việc này vẫn còn ngổn ngang.
Cùng với đó, đầu tháng 5/2021, Ban lãnh đạo Bách hóa Xanh nhận ra một khó khăn trong nội bộ. Ông Trần Kinh Doanh cho biết, đó là việc kiểm soát mua hàng hóa không được theo dõi chặt chẽ; bố trí đội hình mua rau củ, thịt, cá chưa hiệu quả và đội ngũ Bách hóa Xanh đang phải tập trung nguồn lực để xử lý vấn đề này.
Chờ ngày chuyển từ 0 đến 1
Dù ngành bán lẻ tại Việt Nam có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chính những doanh nghiệp nội địa mới là chủ thị trường. Thế giới Di động là một trong 3 doanh nghiệp nổi bật nhất của thị trường bán lẻ nội địa được nhắc đến trong báo cáo vừa phát hành trong tháng 4/2021 của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me (bên cạnh Vingroup và Masan).
Nếu xét riêng nhóm các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh đạt doanh thu trong ngưỡng 30.000 - 40.000 tỷ đồng/năm, thì ông Trần Kinh Doanh tự tin, Bách hóa Xanh là một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu, cùng với Co.op Mart và VinMart. Vị này cũng đặt mục tiêu trong năm nay, Bách hóa Xanh sẽ mang về doanh thu 30.000 tỷ đồng.
“Khi nào Bách hóa Xanh lớn hơn các doanh nghiệp khác, thì việc so sánh này cũng không nên nói. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển trong những năm kế tiếp, với tốc độ phát triển 30 - 50%/năm trong lĩnh vực này, chứ chưa đến ngưỡng phải dừng ở mức tăng 15 - 20%/năm”, ông Doanh tự tin về cơ hội này, vì tiềm năng thị trường còn rất lớn và thị phần của chuỗi hiện chỉ khoảng 10% trong nhóm các nhà bán lẻ hiện đại.
Quy mô thị trường bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng tại Việt Na hơn 70 tỷ USD, chiếm 60% tổng giá trị thị trường bán lẻ hàng hóa, gấp 7 - 10 lần tổng giá trị tiêu dùng hàng điện tử công nghệ. Vì vậy, Bách hóa Xanh vẫn được kỳ vọng trở thành động lực để Thế giới Di động tăng trưởng từ năm 2023, dù hiện nay chưa có lãi.
Nhìn lại quá khứ, có thể thấy, sự hoài nghi về hiệu quả kinh doanh trong mảng điện máy của Thế giới Di động cũng luôn được nhà đầu tư đặt ra khi chuỗi Điện máy Xanh ra đời vào cuối năm 2010. Sự hoài nghi này đang được lặp lại và được đặt áp lực lên đội ngũ vận hành Bách hóa Xanh.
Ông Nguyễn Đức Tài tin tưởng, khi chuỗi bán lẻ thực phẩm này có lời, thì những hoài nghi sẽ biến mất. Đồng sáng lập Thế giới Di động cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có 2 giai đoạn phát triển cơ bản. Đầu tiên là hành trình đi từ số 0 sang số 1 và sau đó là phát triển từ số 1 thành số 1.000.
“Với doanh nghiệp này (Thế giới Di động - PV), năng lực từ 1 đến 1.000 quá dễ để tăng tốc về đích, nhưng để chuyển từ 0 thành 1 thì cần chút thời gian. Bách hóa Xanh cần nhiều thời gian hơn một chút so với chuỗi Điện máy Xanh để từ 0 thành 1. Khi từ lỗ sang lời, toàn bộ nỗ lực tăng tốc để hốt trọn thị phần sẽ diễn ra”, ông Nguyễn Đức Tài kỳ vọng vào bước ngoặt lớn sắp xảy ra.