Thế giới chạy đua bào chế thuốc điều trị Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Các hãng dược phẩm lớn trên toàn thế giới đang gấp rút thử nghiệm trên người trong cuộc đua chế tạo thuốc điều trị Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 4 triệu người.
Thuốc điều trị Covid-19 thử nghiệm do Merck phát triển (Ảnh: Reuters). Thuốc điều trị Covid-19 thử nghiệm do Merck phát triển (Ảnh: Reuters).

Vào đầu năm 2020, khi chủng virus corona mới gây chết người bắt đầu lan rộng khắp thế giới, hãng dược Pfizer đã tập hợp "nhóm SWAT" gồm các nhà khoa học và nhà hóa học để xác định một phương pháp điều trị tiềm năng chống lại Covid-19.

Gã khổng lồ dược phẩm của Mỹ đã bắt đầu bào chế một loại vắc xin ngừa Covid-19, đồng thời đặt mục tiêu sản xuất thêm một loại thuốc có thể ngăn chặn sự lây nhiễm, tương tự cách thuốc Tamiflu được sử dụng rộng rãi để chống lại bệnh cúm. Nhóm nghiên cứu đã rà soát thư viện phân tử của Pfizer để tìm kiếm các hợp chất và nhanh chóng xác định được một ứng cử viên cho thuốc điều trị Covid-19 đầy triển vọng.

Pfizer cho biết loại thuốc viên điều trị Covid-19 uống 2 lần mỗi ngày của họ có thể sẵn sàng tung ra thị trường nhanh nhất trong năm nay. Pfizer cũng chuẩn bị sẵn sàng cho 2.000 bệnh nhân tham gia thử nghiệm loại thuốc trên kết hợp với thuốc kháng virus tăng cường.

Pfizer và các đối thủ, trong đó có hãng dược Merck ở Mỹ và hãng dược Thụy Sĩ Roche Holding AG, đang chạy đua để sản xuất thuốc kháng virus SARS-CoV-2 đầu tiên nhằm giúp người bệnh có thể uống khi có dấu hiệu sớm của bệnh.

Mục tiêu chung của các hãng dược là lấp đầy lỗ hổng quan trọng trong việc điều trị bằng cách giúp những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tránh bị bệnh nặng và phải nhập viện.

Merck hồi tháng 4 cho biết loại thuốc của họ, vốn được nghiên cứu từ nhiều năm trước để điều trị Ebola, đã thành công trong việc giảm lượng virus ở những bệnh nhân Covid-19 và có thể làm giảm nguy cơ nhập viện.

Các cuộc nghiên cứu lớn hơn đang được tiến hành, tập trung vào những người đã được chẩn đoán mắc Covid-19 trong vòng 5 ngày trước đó và có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.

Mới đây, công ty Shionogi có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản) cho biết họ đã bào chế thuốc để tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Shionogi tin rằng với liều lượng chỉ một liều mỗi ngày, thuốc điều trị Covid-19 của công ty này sẽ thuận tiện hơn cho người sử dụng.

Shionogi cho biết công ty đang thử nghiệm thuốc Covid-19 và kiểm tra các phản ứng phụ của thuốc trong quá trình thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm vừa bắt đầu trong tháng này và nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2022. Nếu loại thuốc này có triển vọng, Shionogi có thể sẽ hợp tác với một hãng dược toàn cầu để triển khai thuốc ra toàn thế giới.

Ông Teshirogi cũng cho biết, thuốc Covid-19 của Shionogi được bào chế để vô hiệu hóa virus trong 5 ngày kể từ khi bệnh nhân uống thuốc. Isao Teshirogi, giám đốc điều hành của Shionogi, cho biết mục tiêu của công ty là tạo ra một loại thuốc uống thực sự an toàn và phân tích ban đầu cho thấy, virus không dễ dàng đột biến để tránh tác dụng của thuốc do Shionogi bào chế.

Pfizer đã nhấn mạnh những thách thức mà các nhà sản xuất thuốc phải đối mặt trong việc phát triển phương pháp điều trị virus qua đường uống.

Không giống như vắc xin, chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.

Pfizer cho biết việc thử nghiệm thuốc kháng virus cũng gặp nhiều khó khăn. Một loại thuốc cần được sớm đưa vào quá trình điều trị cho người nhiễm bệnh, có nghĩa là phải tìm những người tham gia thử nghiệm mới mắc Covid-19. Nhiều người bị nhiễm virus chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ, nhưng các nghiên cứu cần chứng minh rằng một loại thuốc có tác động đáng kể đến sức khỏe bệnh nhân.

Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết công ty có thể xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ cho một loại thuốc Covid-19 sớm nhất vào cuối năm nay.

"Hiện tại, chúng tôi có lý do chính đáng để tin rằng chúng tôi có thể thành công", ông Bourla phát biểu hồi tháng 5.

Pfizer và các đối thủ cho biết quá trình bào chế thuốc Covid-19 nhanh hơn nhiều so với quy trình vài năm mà công ty thường cần để sản xuất một loại thuốc có thể dùng dưới dạng viên uống.

Hai công ty Merck và Roche đã thử nghiệm giai đoạn cuối trên người và cũng cho biết thuốc của họ có thể sẵn sàng tung ra thị trường vào cuối năm nay. Merck đang hợp tác phát triển loại thuốc của mình với công ty công nghệ sinh học Ridgeback Biotherapeutics LP, trong khi Roche đang làm việc với Atea Pharmaceuticals.

Một điều đặc biệt là các chính phủ trên khắp thế giới đã đổ hàng tỷ USD vào việc phát triển vắc xin, nhưng cả Pfizer, Merck và Roche nói rằng họ không nhận được tài trợ của chính phủ để phát triển thuốc kháng virus qua đường uống cho dịch bệnh này.

Cuộc đua bào chế thuốc

Pfizer là một trong những hãng dược đi đầu trong cuộc đua bào chế thuốc Covid-19 (Ảnh: Reuters).
Pfizer là một trong những hãng dược đi đầu trong cuộc đua bào chế thuốc Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Trong khi tỷ lệ mắc Covid-19 mới đang giảm ở một số quốc gia, những quốc gia khác vẫn tiếp tục vật lộn với sự lây lan nhanh chóng của virus và các biến thể nguy hiểm như Delta. Với nguồn cung vắc xin thiếu hụt ở nhiều quốc gia, phần lớn thế giới sẽ không được tiêm chủng trong vài năm tới. Trong khi đó, nhiều người không muốn dùng vắc xin trong việc điều trị bệnh tật.

Các nhà khoa học dự báo Covid-19, dịch bệnh giết chết hơn 4,2 triệu người trên toàn cầu, có thể trở thành một căn bệnh theo mùa tương tự bệnh cúm.

"Chúng ta cần một loại thuốc có thể giúp mọi người không phải đến bệnh viện", Tiến sĩ Rajesh Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Harvard, cho biết.

Các bác sĩ đã thử một số loại thuốc uống để chống lại Covid-19, nhưng chưa loại thuốc nào thành công trong quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt.

Pfizer và các đối thủ nói rằng các ứng cử viên thuốc kháng virus qua đường uống của họ có thể có hiệu quả chống lại một loạt các biến thể virus SARS-CoV-2, nhưng không có dữ liệu liên quan nào được công khai.

Đối với những bệnh nhân Covid-19 đã nhập viện, việc điều trị thường bao gồm steroid hoặc thuốc chống viêm để kiểm soát các triệu chứng, nhưng những loại thuốc này không nhắm vào chính virus. Tính đến tháng 5, thuốc kháng virus duy nhất được chấp thuận ở Mỹ để điều trị Covid-19 là remdesivir do Gilead Sciences sản xuất, được truyền qua đường tĩnh mạch và chỉ sử dụng cho bệnh nhân nhập viện. Gilead đang thử nghiệm một dạng remdesivir dạng hít và đang khám phá các hợp chất khác có thể bào chế thuốc uống hiệu quả.

Việc bào chế thuốc kháng virus phức tạp hơn vắc xin vì chúng phải nhắm mục tiêu vào virus sau khi nó đã nhân lên trong tế bào người, mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh.

Các ứng cử viên thuốc Covid-19 của Pfizer, Merck và Roche sử dụng các cơ chế khác nhau để phá vỡ bộ máy nhân bản của virus. Nhưng các công ty gặp phải những thách thức trong quá trình thử nghiệm, bao gồm việc phải đảm bảo bệnh nhân nhận được thuốc ngay sau khi mắc Covid-19. Điều này nhằm giúp điều trị càng sớm càng tốt khi virus vẫn đang trong quá trình phát triển.

Vào tháng 3 năm nay, Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn đầu trên người ở Mỹ về phương pháp điều trị Covid-19 bằng đường uống, được gọi là PF-07321332. Đây là bước tiếp theo, sau một thử nghiệm khác của Pfizer về thuốc tiêm tĩnh mạch bắt đầu vào mùa thu năm ngoái.

Merck cho biết, nếu loại thuốc Covid-19 do công ty này bào chế được chứng minh là an toàn và hiệu quả, họ sẵn sàng đưa vào sử dụng, với khả năng sản xuất 100 triệu viên thuốc, đủ để điều trị cho 10 triệu người vào cuối năm nay.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục