Chú ý là bởi vì đến tận cuối năm 2019, Masan vẫn chỉ biết tới như một nhà sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô hàng đầu tại Việt Nam với sản phẩm có mặt tại 98% gia đình người Việt. Masan sản xuất và phải nhờ kênh phân phối khác để đưa hàng tới người tiêu dùng.
Nói về kênh phân phối, thời điểm đó, sức mạnh số 1 đang nổi lên chính là VinCommerce được sở hữu bởi Tập đoàn Vingroup, với gần 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. VinCommerce thành lập chưa lâu, nhưng tăng trưởng với tốc độ “Thánh Gióng” và nhanh chóng giữ thị phần hàng đầu về bán lẻ. Thành tích gây ngạc nhiên với giới bán lẻ quốc tế chứ không chỉ tại Việt Nam, nhưng VinCommerce là một “cỗ máy đốt tiền” thực sự khi liên tục lỗ kể từ khi thành lập, lỗ hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Với sự chuyển đổi chiến lược của Vingroup, một thương vụ gây bất ngờ với tất cả giữa 2 tỷ phú người Việt, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT VinGroup và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, đó là sáp nhập VinCommerce vào một công ty thành viên của Masan là Masan Consumer. Thương vụ được công bố tháng 12/2019.
Từ đó đến nay, nhiều người khá quan tâm Masan đã làm gì với VinCommerce? Thậm chí có cả đồn đoán, Masan nhận VinCommerce về để bán thịt MeatDeli, mỳ tôm, nước mắm… do Masan sản xuất. Nhưng dường như không có gì diễn ra nhiều, hệ thống Vinmart và Vinmart+ cũng chỉ giúp bán được doanh thu 1% của Masan Consumer, tỷ lệ tương đương các kênh phân phối khác. Quý I/2020, sau khi tiếp quản bởi Masan thì VinCommerce vẫn lỗ dù con số đã giảm đi một nửa so với trước….
“VinCommerce là hệ thống lớn, chúng tôi không thể tái cấu trúc quá nhanh mà phải từ từ để sự vận hành ổn định và đảm bảo chất lượng phục vụ người mua hàng”, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết.
Tái cấu trúc từ từ đó dựa trên một đích tới của Masan, cực kỳ tham vọng là lọt TOP 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.
Một pháp nhân mới được thành lập để thực hiện mục tiêu đó mang tên khá “giải trí” - Công ty The CrownX, công ty sở hữu cổ phần của Masan Consumer và VinCommerce, tận dụng thế mạnh là nhà sản xuất có thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu của cả 2 công ty.
Các ưu tiên chiến lược chính của The CrownX là phát triển mạng lưới cửa hàng và chuỗi cung ứng vượt trội - đảm bảo độ bao phủ cả nước; phát triển VCM thành mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng với các thương hiệu mạnh, trở thành Top 50 thương hiệu toàn cầu; phát triển danh mục sản phẩm độc quyền (lên đến 40%) cùng đối tác và nhà cung cấp chiến lược; sở hữu dữ liệu chi tiêu nhu yếu phẩm của hộ gia đình; xây dựng công ty thành Top “10 công ty có môi trường đáng làm việc” tại Việt Nam.
Tại đại hội đồng cổ đông của Masan (ngày 30/6), những bước đi thực hiện ưu tiên chiến lược mới chỉ được trình bày khái quát và chưa thực sự chi tiết.
Có một số nét chính đó là The CrownX sẽ thực hiện bán cả 2 kênh online và offline (thay vì mô hình bán truyền thống). Online đương nhiên là số hóa, sẽ mang đến người tiêu dùng nhiều trải nghiệm mới, chẳng hạn cho phép người tiêu dùng có thể tham gia hệ thống tích điểm ngay tại nhà thông qua mỗi sản phẩm của Masan trong các bếp ăn, thay vì tích điểm tại điểm bán như hiện tại. Năm 2021 sẽ bắt đầu mô hình nhượng quyền của Vinmart ở quy mô lớn, để sử dụng sức mạnh toàn dân… hướng tới 30-50 triệu tương tác trực tiếp với người tiêu dùng Việt Nam hàng ngày.
Trong bài thuyết trình của mình, ông Danny Le cam kết trong vòng 5 năm tới người tiêu dùng sẽ có một trải nghiệm rất mới trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng.
Về vấn đề tài chính, VinCommerce sẽ hòa vốn trong năm nay, năm đầu tiên về với hệ thống của Masan. Tại Hà Nội, hệ thống Vinmart và Vinmart+ đã hòa vốn và bắt đầu có lãi, ở mức 8 triệu đồng doanh thu/m2/tháng. Tại thị trường phía Nam, doanh thu chưa đạt được con số này.
8 triệu đồng doanh thu/m2/tháng - rất có thể sẽ là con số tham chiếu quan trọng cho các cửa hàng siêu thị bán lẻ khác tới đây.
Trong năm 2020, sẽ chưa tính tới việc đổi tên và nhận diện thương hiệu của Vinmart hay VinMart+, nhưng lãnh đạo Masan khẳng định hệ thống phân phối của họ sẽ phải thay đổi hàng ngày để phục vụ tốt nhất người tiêu dùng và cạnh tranh. Và nhiều bước đi cụ thể sẽ được chia sẻ thêm ở thời điểm phù hợp.
Chiến lược chính của The CrownX là phát triển mạng lưới cửa hàng và chuỗi cung ứng vượt trội đảm bảo độ bao phủ cả nước; phát triển VCM thành mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng với các thương hiệu mạnh
Nói theo cách của ông Nguyễn Đăng Quang thì đã có một đích đến, và có một đường để đi thì vấn đề là đi nhanh hay chậm. Không đề cập sự liên quan về chữ X trong cụm từ The CrownX, nhưng tại đại hội khi chia sẻ với cổ đông, ông Quang đã lấy trường hợp SpaceX của Elon Musk như một câu chuyện tạo cảm hứng về niềm tin con đường đã chọn.
Năm 2020, khi SpaceX được thành lập bởi Elon Musk là lúc Masan đưa ra sản phẩm tiêu dùng đầu tiên nước tương Chinsu ra thị trường. Đến thời điểm này, Space đã tạo một kỳ tích và niềm phấn khích cho nhiều người trên thế giới khi trở thành công ty tư nhân đầu tiên sở hữu tên lửa đưa người lên vũ trụ, giúp mục tiêu biến sao Hỏa thành ngôi nhà thứ hai của loài người gần lại.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan thuyết trình tại Đại hội.
“Tại Masan, chúng tôi luôn xuất phát với một vạch đích được xác định rõ ràng. Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%.
Yếu tố thay đổi cuộc chơi là khi Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại cho các cư dân thành thị, mà còn mang trải nghiệm tuyệt vời này đến phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn. Masan đang ở vị thế sẵn sàng cho sứ mệnh này nhờ mối quan hệ mật thiết và lâu dài sẵn có với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống (GT).
Từ chỗ đơn thuần bán sản phẩm của Masan như hiện nay, họ sẽ trở thành một phần trong nền tảng bán lẻ của chúng tôi thông qua mô hình nhượng quyền và mối quan hệ đối tác mật thiết, giúp mang đến lợi ích cho cả hai bên và cho chính người tiêu dùng”, ông Quang nói.
“Năm 2020, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô. Tôi tin rằng, nếu cùng thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận hai chữ số”, ông Quang cho biết.