Các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với kỳ vọng tới đây sẽ có 3 đặc khu tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế. Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp của ban soạn thảo, ông có nhận xét gì về dự luật này?
Chúng ta hiện mới đang xây dựng đặc khu kinh tế nhưng trên thế giới đã có hàng nghìn đặc khu ra đời. Đi sau các nước khác ngay trong khu vực, nên các đặc khu của Việt Nam tới đây cần thu hút nhà đầu tư, có phải bằng cơ chế chính sách ưu đãi, vượt trội không?.
Tôi cho rằng ưu đãi phải là số một, không chỉ là những ưu đãi về kinh tế mà, còn là các yếu tố về thể chế, hành chính. Đơn cử, cùng là một ngành nghề có điều kiện, nếu doanh nghiệp đầu tư vào đặc khu sẽ có những quy định khác, mở hơn so với đầu tư ở ngoài.
Từ phiên bản đầu tiên cho đến nay, cá nhân tôi thấy dự luật đã có thay đổi rất nhiều, nhiều thay đổi thậm chí rất căn bản. Các cơ quan soạn thảo rất lắng nghe các ý kiến đóng góp và đã tiếp thu.
Trong kỳ họp Quốc hội này, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến thảo luận, vì đây không chỉ là bộ luật thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, mà cả các chuyên gia kinh tế và nhiều đại biểu Quốc hội…
Chúng ta không kỳ vọng sẽ có một bộ luật thực sự hoàn hảo, nhưng luật thông qua chắc chẳn phải đạt những yêu cầu cơ bản nhất.
Có thể kỳ vọng gì vào bộ luật này, nhất là về góc độ lan tỏa kinh tế và thể chế, thưa ông?
Chính phủ quyết tâm trình Quốc hội việc thành lập 3 đặc khu nằm ở 3 đầu đất nước. Chúng ta kỳ vọng 3 đặc khu thành công sẽ khai thác tiềm lực kinh tế ở 3 vùng, tạo ra tính lan tỏa ở 3 khu vực Bắc Trung Nam.
Đặc khu sẽ là nơi thí điểm các cơ chế chính sách mà chúng ta còn đang băn khoăn hoặc có thể e ngại có bất cập khi triển khai đại trà, nhưng nếu cơ chế chính sách đó được đưa vào thí điểm, thực hiện thành công tại 3 đặc khu này sẽ là cơ sở để chúng ta có thể áp dụng rộng rãi.
Cũng có những ý kiến bày tỏ e ngại về sự cạnh tranh giữa 3 đặc khu, có thể tạo ra cuộc chạy đua không lành mạnh trong thu hút đầu tư… Ông nghĩ sao về điều này?
Trong chiến lược phát triển 3 đặc khu, chúng ta cũng thấy có thể có những phần giống nhau, đơn cử những yếu tố về dịch vụ, nhưng hướng chiến lược của mỗi đặc khu đều có những cái riêng của họ, nên không có chuyện 3 đặc khu này cùng phát triển với một mô hình kinh tế.
Tuy nhiên, về mặt cơ chế chính sách thì những điểm chung nhất phải thống nhất giữa 3 đặc khu, còn những điểm đặc thù giữa 3 đặc khu cần được đánh giá, được áp dụng theo những ngành nghề, chiến lược hoặc những mũi nhọn cần ưu tiên cho từng đặc khu.
Và chúng ta không nên ngại những điểm chung nhau đó là sự cạnh tranh của 3 đặc khu mà cần lưu ý đó là những điểm cần có để mỗi đặc khu có sức mạnh để cạnh tranh với các đặc khu khác ở trong khu vực.
Ông nhìn nhận về sức hút các đặc khu ở Việt Nam với những quy định như dự thảo mới nhất đưa ra so với các đặc khu trong khu vực như thế nào?
Chúng ta thấy hiện nay các ưu đãi về mặt chính sách kinh tế điển hình như thuế đang được áp dụng cho đặc khu này hấp dẫn hơn so với các đặc khu khác, thậm chí như chúng ta thấy so với các đặc khu được đánh giá rất thành công như Thâm Quyến thì các ưu đãi của chúng ta còn có thời gian nhiều hơn, mức ưu đãi cao hơn. Rõ ràng đó là một yếu tố cạnh tranh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, nhiều người còn đang băn khoăn: Liệu với tất cả những ưu đãi đó, ràng buộc các nhà đầu tư là gì? Nếu các nhà đầu tư chỉ vào để hưởng ưu đãi mà không có sức mạnh thực sự, tạo ra sự phát triển thì sao?
Cá nhân tôi chưa nhìn rõ lắm các ràng buộc, có lẽ đó là điều mà chúng ta cần tiếp tục thảo luận kỹ. Bên cạnh ưu đãi, cần những ràng buộc để chúng ta lựa chọn được những nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư vào đặc khu để đầu tư kinhdoanh chứ không phải đầu tư để hưởng ưu đãi và chiếm lĩnh các vị trí, giữ chỗ hoặc tạo ra chỗ đứng cho mình để lợi dụng các chính sách ưu tiên…
Ưu đãi thuế quan, phi thuế quan trong đặc khu là rất lớn, liệu có bất công quá không khi so với các doanh nghiệp ngoài đặc khu và có gì cần lưu ý về khả năng có một làn sóng hay phong trào doanh nghiệp ồ ạt di chuyển vào đặc khu?
Trên thế giới, tất cả các đặc khu bao giờ cũng có chính sách ưu đãi hơn là ngoài đặc khu, điển hình như thuế thường thấp hơn hoặc thuế quan gần như tự do. Điều này nhằm mục tiêu tạo ra môi trường ở đặc khu đó không khác gì môi trường kinh doanh ở những đặc khu khác trên thế giới và điều đó thu hút các nhà đầu tư bên ngoài vào đặc khu.
Khi những ưu đãi vượt trội so với bên ngoài, bao giờ cũng có lo ngại không cẩn trọng sẽ tạo ra làn sóng di dời doanh nghiệp bên ngoài vào đặc khu và đó đều là các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì điều đó không mang lại ý nghĩa cho sự đóng góp kinh tế.
Cho nên, kèm theo ưu đãi bao giờ cũng có điều kiện ràng buộc để những nhà đầu tư nào vào đó đều thực sự đầu tư có hiệu quả, tận dụng được cơ hội, điều kiện ưu đãi để tạo ra được những lợi thế vượt trội so với bên ngoài.
Khi đó anh mới là người đầu tư có hiệu quả còn nếu chỉ đơn thuần vào để ưu đãi về thuế, anh sẽ phải chịu những ràng buộc khác và những ràng buộc đó sẽ rất khắt khe, sẽloại những nhà đầu tư không hiệu quả, không có năng lực.
Cũng đang có những e ngại rất lớn về hệ lụy gian lận thương mại trong các khu phi hải quan ở ngay các đặc khu?
Đặc khu ở Việt Nam phải có tính tự do cao nhất như các nhà đầu tư được hưởng ở các đặc khu nước ngoài. Ưu đãi phi hải quan không phải ưu đãi đơn thuần để nhà đầu tư được lợi mà là môi trường tốt nhất để nhà đầu tư vào.
Vấn đề đặt ra là chính quyền đặc khu phải quản lý như thế nào, khi anh không có năng lực quản lý sẽ bị người ta lợi dụng. Nhưng chúng ta không thể quan niệm nếu chưa có năng lực quản lý thì cứ đóng những ưu đãi lại.
Nếu vậy sẽ không có gì đặc biệt cho đặc khu. Trên thế giới, các đặc khu đều hình thành các chính sách như thế thì chúng ta cũng phải đảm bảo tối thiểu như vậy, những gì chúng ta chưa làm được phải cố gắng làm, chứ đừng mang tư duy chúng ta chưa làm được thì cứ cấm hay không cho làm.
Trở lại với e ngại về tình trạng đầu tư theo phong trào, để giữ chỗ, xí đất của một bộ phận DN vào đặc khu, có thể hóa giải hoặc hạn chế thấp nhất những bất cập có thể nảy sinh này bằng cách nào?
Tôi muốn nhắc lại, nếu chỉ có ưu đãi không có ràng buộc, doanh nghiệp sẽ ồ ạt vào để đặt chân, giữ chỗ, đầu cơ kiếm lợi nên dứt khoát bên cạnh ưu đãi cần có ràng buộc để nếu kinh doanh không hiệu quả buộc doanh nghiệp phải rời bỏ. Nó sẽ sàng lọc nhà đầu tư chỉ để nhà đầu tư có thực lực.
Giải pháp thì có nhiều, chẳng hạn bằng quy định thuế tài sản và thuế đất đai ở đặc khu. Vào đặc khu, doanh nghiệp phải chịu thuế đất cao và nếu trong 1-2 năm không đưa vào kinh doanh, không có hiệu quả, doanh nghiệp sẽ phải trả tiền cho mặt bằng đó lớn hơn rất nhiều. Nếu doanh nghiệp không sử dụng, chính quyền sẽ thu hồi không có đền bù…
Các chính sách cần tạo ra không gian để người kinh doanh có hiệu quả hơn có thể thay chỗ các doanh nghiệp chỉ vào đặc khu để chiếm chỗ, đầu cơ hưởng lời.