Tập đoàn Singapore “hiến kế” để tạo nên thành công của đặc khu

Có 5 yếu tố quan trọng tạo nên thành công của một đặc khu. Đó là điều đã được ông Teo Eng Cheong, Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) nhấn mạnh tại hội thảo về phát triển các đặc khu ở Việt Nam.
Tập đoàn Singapore “hiến kế” để tạo nên thành công của đặc khu

Phát biểu đề dẫn ngay trước phiên thảo luận về cơ chế, chính sách đặc biệt tại đặc khu và kinh nghiệm quốc tế, tổ chức sáng 18/5 tại Hà Nội, ông Teo Eng Cheong, Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) đã thẳng thắn cho biết:

Trên thế giới có hàng ngàn đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và các loại hình tương tự, nhưng chỉ có vài khu là thành công trong việc tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể.

“Phần lớn còn lại thì không. Tại sao?”, đặt câu hỏi như vậy, ông Teo Eng Cheong cho rằng, có 5 yếu tố tạo nên thành công cho các đặc khu kinh tế và khu công nghiệp. Đó là có mục tiêu rõ ràng; đổi mới chính sách táo bạo; địa điểm thuận lợi; thiết kế mang tính đặc thù; và quản lý hiệu quả. 

“Trước hết, việc quan trọng nhất là phải xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một đặc khu”, ông Teo Eng Cheong nói và cho rằng, các lý do để thành lập đặc khu có thể bao gồm tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỉ lệ thất nghiệp đang cao;

Thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ, đặc biệt khi đang bị thiếu hụt dữ trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại; thát triển các ngành đặc thù, ví dụ như lĩnh vực du lịch; chuyển giao công nghệ.

Theo lý giải của ông Teo Eng Cheong, rất khó để thiết lập được một đặc khu đáp ứng được tất cả các mục tiêu nói trên cùng một lúc.

Do đó, điều quan trọng là phải xác định được nhân tố quan trọng nhất khi thiết lập một đặc khu. Khi đó, các chiến lược phát triển sẽ được xác định rõ ràng hơn, ví dụ như khu này sẽ đặt mục tiêu vào các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp địa phương, và khu khác sẽ tập trung vào việc chế tạo hoặc dịch vụ.

“Sau khi đã xác định các mục tiêu của đặc khu, bước tiếp theo là hoạch định các chính sách mới một cách táo bạo hoặc mở rộng các quy định hiện hành”, ông Teo Eng Cheong “hiến kế”.

Cũng theo ông này, một thất bại chung của rất nhiều đặc khu là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ viêc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát.

“Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một đặc khu chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước.

Để thành công, đặc khu cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác của đất nước”, ông Teo Eng Cheong khẳng định.

Các đổi mới chính sách, theo ông Teo Eng Cheong, nên tập trung vào ưu đãi thuế, miễn giảm thuế nhập khẩu cũng như thủ tục hải quan, cũng như các chính sách về lao động đủ để thu hút  những người di cư từ nước ngoài hoặc từ các vùng khác của đất nước, gỡ bỏ các kiểm soát, ràng buộc về ngoại tệ…

“Địa điểm của đặc khu cũng là một yếu tố quan trọng khác. Nếu một đặc khu với mục tiêu phục vụ xuất khẩu thì việc nằm gần cảng biển và sân bay là rất quan trọng.

Nếu đặc khu với mục tiêu phát triển lĩnh vực chế tạo, thì việc nằm gần nguồn nhân lực có trình độ sẽ quyết định đến sự thành công của nó…”, ông Teo Eng Cheong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự thảnh công của đặc khu, thì công tác lập quy hoạch và thiết kế đặc khu cần phải được thực hiện một cách cẩn thận để bù đắp cho những hạn chế của địa điểm, để phục vụ cho những gì mà nhà đầu tư mong muốn, để giải quyết những điều mà Chính phủ quan tâm, và để tích hợp với các khu vực lân cận.

Và tất nhiên, yếu tố quan trọng cuối cùng chính là chuyện quản lý hiệu quả. “Đặc khu sẽ tồn tại hàng thập kỷ và lợi ích của nó có thể chỉ thấy được nhiều năm sau khi được xây dựng. Do đó, công tác quản lý dài hạn ở đặc khu cần phải hiệu quả.

Đội ngũ quản lý cần phải giữ vững tầm nhìn của đặc khu tuân thủ theo quy hoạch tổng thể và cần phải có sự tự tin và linh hoạt để phục vụ cho các thay đổi từ nhu cầu khách hàng, dân số, và tiến bộ công nghệ”, ông Teo Eng Cheong nhấn mạnh.

“Đặc khu có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều đặc khu thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.

Mặt khác, nếu đặc khu có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công”, ông Teo Eng Cheong kết luận.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục