“Thế ba chân” cho thị trường vốn: Còn xa

(ĐTCK) “Thế ba chân” cho thị trường vốn gồm ngân hàng - cổ phiếu - trái phiếu vẫn còn xa khi trái phiếu doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 1/7 lượng tín dụng tăng thêm.
“Thế ba chân” cho thị trường vốn: Còn xa

Nguồn tiền của hệ thống ngân hàng Việt Nam để cấp tín dụng cho doanh nghiệp cũng như để mua trái phiếu rồi cũng dần hạn chế - Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam lại nhắc lại một lần nữa vấn đề từ nhiều năm nay của thị trường vốn trong một hội thảo tổ chức hôm thứ Hai tuần này.

Nhắc lại vấn đề này là để nhấn mạnh mong muốn mở rộng quy mô kênh huy động trái phiếu, cụ thể lần này là trái phiếu doanh nghiệp. Mong muốn đó không chỉ của Hiệp hội hay thành viên thị trường, mà còn của cả cơ quan nhà nước khi “thế ba chân” cho thị trường vốn gồm ngân hàng - cổ phiếu - trái phiếu liên tục được nhắc tới những năm gần đây, nhất là sau những khủng hoảng của ngành ngân hàng dẫn đến căng thẳng thanh khoản.

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đã đạt 33.600 tỷ đồng, tăng 17% so với cả năm 2012 và nhiều hơn tổng phát hành cả giai đoạn 2006 - 2012, theo thống kê của Vụ Tài chính Ngân hàng thuộc Bộ Tài chính.

Nếu chỉ nhìn đơn thuần con số tăng trưởng này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thể đang nhảy vượt bậc. Nhưng nếu đặt trong con số tín dụng toàn ngành ngân hàng - với dư nợ tín dụng gần 3.000.000 tỷ đồng, ngân hàng giải ngân ròng thêm khoảng gần 240.000 tỷ đồng, nghĩa là trái phiếu doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 1/7 lượng tín dụng tăng thêm - thì “thế ba chân” vẫn còn xa.

Một trong những nguyên nhân lớn để trái phiếu doanh nghiệp vẫn “khiêm tốn” như vậy là cơ sở nhà đầu tư trái phiếu tại Việt Nam còn rất mỏng: chỉ có khoảng 5 ngân hàng nội là nhà đầu tư lớn trên thị trường, 6 ngân hàng ngoại tham gia thường xuyên và 5 công ty bảo hiểm tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ).

Trong khi đó, nhà đầu tư rất lớn cũng đang muốn đầu tư. Cũng tại Hội thảo, IFC cho biết, hiện tổ chức này đang có 40 tỷ USD tiền mặt, bên cạnh những tài sản bán tiền mặt như trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và châu Âu có thể tiền mặt hóa rất nhanh, được định hạng tín nhiệm AAA. “Điều đó có nghĩa là nếu thị trường vốn tự dưng biến mất, chúng tôi cũng có thể hoạt động 3 - 4 năm”.

Điều quan trọng hơn là IFC muốn hỗ trợ tín dụng qua kênh trái phiếu ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam!

Và khác với thực tế hiện nay là chủ yếu các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn mới có thể phát hành trái phiếu, IFC muốn giúp mọi doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ cũng có thể huy động vốn qua kênh này!

IFC đã giới thiệu và muốn đưa các sản phẩm hỗ trợ tín dụng gồm: bảo lãnh trái phiếu của các nhà phát hành Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, phát hành trái phiếu của IFC bằng đồng nội tệ để dùng nguồn tiền đó tài trợ cho các dự án ở Việt Nam và các sản phẩm phái sinh. IFC và cơ quan quản lý đều đang nỗ lực xây một hành lang pháp lý để đưa những sản phẩm này vào thị trường trong nước.

Đúng ngày 31/12 này sẽ kết thúc 5 năm giai đoạn I của dự án phát triển thị trường vốn Việt Nam mà IFC thực hiện tại đây. Năm năm đã có rất nhiều điều được xây mới, tuy nhiên để đi đến đích mà thị trường trái phiếu trở thành một kênh dẫn vốn lớn cho doanh nghiệp còn cả một chặng đường rất dài.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục