“Đây là các tồn tại đã được Ban Quản lý dự án đường sắt, Tư vấn giám sát nhiều lần nhắc nhở trực tiếp tại hiện trường, ghi nhật ký thi công, biên bản hiện trường nhưng công tác khắc phục của nhà thầu rất chậm chạp,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.
Đề cập đến tiến độ thi công, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng, theo tiến độ thi công tổng thể của dự án được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận thì ga La Thành phải hoàn thành kết cấu chủ thể tầng 2, tầng 3 vào ngày 13/3/2016.
“Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ga La Thành vẫn chưa hoàn thành các cầu thang bộ tầng 2 và 4 góc đỉnh tầng ke ga. Như vậy, tiến độ chậm khoảng 40 ngày,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt khẳng định.
Về công tác quản lý của nhà thầu trên công trường, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, đến nay, nhà thầu huy động được hơn 30 công nhân (gồm các tổ đội làm cốp pha, cốt thép, làm lan can an toàn, căng kéo cáp) nhưng việc điều hành các tô đội thi công của chỉ huy trưởng công trường và các cán bộ kỹ thuật của nhà thầu không sát sao, dẫn đến nhiều hạng mục phải sửa đi, sửa lại nhiều lần thì mới đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính yếu nên có thời điểm nhà thầu không huy động được đủ số nhân công theo yêu cầu, không mua được các vật tư phụ trợ phục vụ cho thi công làm chậm tiến độ dự án.
Nhằm thúc tiến độ thi công nhà ga La Thành của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Ban Quản lý dự án phê bình Tổng thầu EPC quản lý hợp đồng với thầu phụ lỏng lẻo, không sát sao kiểm soát công trường nên đã để xẩy ra các tồn tại nêu trên.
“Tổng thầu EPC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm việc không đảm bảo an toàn, chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công của nhà ga La Thành bị chậm,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án kiên quyết cho hay.
Tổng thầu EPC thay thế ngay nhà thầu thi công-Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng và dịch vụ Trường Sơn do không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thi công, chất lượng công trình, tiến độ của dự án đồng thời lựa chọn các vị thi công khác có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính đế thi công các hạng mục còn lại của nhà ga.
Trước đó, tại lễ ra quân và phát động thi đua hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đối với phần thi công 12 nhà ga, đến tháng 6/2016 sẽ cơ bản hoàn thành các nhà ga (trừ ga Cát Linh), tháng 9/2016 hoàn thành các phần xây lắp đồng thời lắp đặt các thiết bị và đầu tháng 10/2016 khai thác thử. Cuối năm 2016, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chính thức đưa vào khai thác thương mại.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu phụ phải quan tâm thực hiện tăng cường máy móc, thời gian thi công để đáp ứng tiến độ tới 30/6 hoàn thành nhà ga, tháng 11/2016 hoàn thiện xong khu vực Depo, đưa dự án vào vận hành và khai thác thương mại cuối năm 2016.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội, chiều dài 13km. Tuyến đường sẽ đi từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.
Dự án có 12 nhà ga gồm: ga Cát Linh, ga La Thành, ga Thái Hà, ga Láng, ga Đại học Quốc gia, ga Vành đai 3, ga Thanh Xuân 3, ga bến xe Hà Đông, ga Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê, ga bến xe Yên Nghĩa.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý 1/2016 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về mặt bằng, điều chỉnh vốn, dự án phải lùi tiến độ đến cuối năm 2016 mới chính thức đưa vào vận hành thương mại.