Thống kê trên sàn HOSE trong tuần qua, chỉ có 22% cổ phiếu là không giảm giá theo thị trường chung.
Bối cảnh thế giới trong tuần qua có sự thay đổi khi các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500, Nikkei 225, Kospi… ghi nhận nhịp điều chỉnh ngắn hạn, với áp lực chốt lời diễn ra mạnh mẽ của giới đầu tư, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán có ít sự đóng góp của các cổ phiếu công nghệ như Dow Jones, Russell 2000 chỉ xuất hiện nhịp giảm nhẹ.
Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu trong tuần này tập trung vào cuộc họp chính sách quan trọng của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), khả năng cao là chưa có quyết định cắt giảm lãi suất nào được đưa ra, nhưng đây có thể là bước chạy đà cho đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào kỳ họp tháng 9/2024 (thị trường đang đặt cược 100% Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9). Khi đó, chỉ số sức mạnh đồng USD sẽ khó tăng cao trở lại, trở thành yếu tố hỗ trợ cho các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên như Việt Nam.
Dù thanh khoản chung của thị trường suy giảm trong 1 tháng qua, nhưng điểm nhấn tích cực là dòng tiền chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi dòng tiền rút ra ở nhóm vốn hóa nhỏ, còn nhóm vốn hóa vừa chưa nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Sự luân chuyển của dòng tiền tới các cổ phiếu vốn hóa lớn giúp chỉ số chung khó xảy ra tình huống giảm quá mạnh, vì lực mua vẫn chực chờ canh giá rẻ ở cổ phiếu doanh nghiệp lớn, đầu ngành.
Các cổ phiếu không giảm giá theo đà giảm của thị trường chung trong tuần qua sẽ là tâm điểm cần quan sát, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, FPT, VNM, POW, PLX, HDB, BCM. Nếu thị trường cân bằng và xác nhận tạo đáy thành công thì nhóm cổ phiếu này rất dễ tạo hiệu ứng đột phá trong thời gian tới.
Thông thường, một ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật được nhiều người công nhận bị xuyên thủng dễ dàng như mốc 1.245 - 1.250 điểm thì sau đó thường xảy ra tình trạng bán tháo. Tuy nhiên, cách phản ứng của thị trường trong 3 phiên gần đây chứng tỏ dòng tiền “cầm trịch” cuộc chơi không quá quan tâm mốc kỹ thuật đó để ra quyết định rút khỏi thị trường, thậm chí họ có thể lợi dụng ngưỡng tâm lý đó để “bẽ gãy” vị thế những nhà giao dịch ngắn hạn.
Thêm nữa, việc VN-Index vững vàng trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán thế giới trong những phiên gần đây điều chỉnh khá mạnh cũng cho thấy sự trưởng thành của thị trường. Sau giai đoạn VN-Index gần như lạc nhịp so với thế giới thì có thể từ tuần sau (trong tuần họp chính sách của Fed), chỉ số sẽ đồng điệu với thế giới hơn.
Chúng tôi vẫn giữ niềm tin về triển vọng thị trường trong 2 - 3 tháng tới trên nền tảng vĩ mô trong và ngoài nước ổn định, thời điểm Fed hạ lãi suất đang đến gần, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự báo tiếp tục cải thiện trong các quý cuối năm. Về mặt kỹ thuật, nếu VN-Index “vá” lại mốc 1.250 điểm thì khả năng sóng mới sẽ được hình thành.