Cách đây ít hôm, tranh chấp tại một chung cư cao cấp tại quận Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ bùng phát. Nguyên nhân của tranh chấp này xuất phát từ sự nhập nhèm trong việc sử dụng 2% quỹ bảo trì chung cư trong suốt 3 năm qua.
Câu chuyện tranh chấp liên quan đến phí bảo trì như tại chung cư trên đã trở thành quen thuộc, xảy ra từ chung cư cao cấp, đến giá rẻ, cả Bắc và Nam. Có thể kể đến hàng loạt vụ tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì như tại Chung cư NO17-1 Sài Đồng, Keangnam, Sky City Láng Hạ, 4S Riverside, Era Town…
Không chỉ liên quan đến quỹ bảo trì, tranh chấp chung cư còn xuất phát từ rất nhiều lý do khác.
Nói như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà Việt Nam (VBMA): “Nhà ở cao tầng mới chỉ rộ lên 10 - 15 năm trở lại đây, những văn hóa, phương thức quản lý chung cư chúng ta còn bỡ ngỡ. Từ việc bỡ ngỡ, chúng ta không có hành lang pháp lý chuẩn, dẫn đến chuyện luôn luôn có những va vấp giữa những cư dân với chủ đầu tư, đơn vị quản lý, mỗi người hiểu một kiểu khác nhau”.
Tuy nhiên, vụ việc cả chục khách hàng thuê ki ốt kinh doanh tại khu đô thị Pháp Vân và Linh Đàm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) kéo đến trụ sở của doanh nghiệp này để phản đối HUD cắt điện nước của họ cho thấy, tranh chấp tại chung cư không chỉ diễn ra giữa cư dân với chủ đầu tư, đơn vị quản lý.
Tranh chấp này đã âm ỉ từ khá lâu và trở nên căng thẳng trong hơn 1 tuần nay.
Lý do tranh chấp lên đến đỉnh điểm như cuối tuần qua là do HUD cắt điện nước tại các ki ốt thuê của khách hàng với lý do khách không thanh toán tiền thuê, trong khi khách hàng cho rằng, họ không chấp nhận mức giá thuê tăng quá nhanh.
Đây dường như là kiểu tranh chấp chung cư mới, không có liên quan đến cư dân, nhưng tìm hiểu kỹ không hẳn là vậy.
Theo lý giải của các tiểu thương, chủ đầu tư của các dự án trên đã không chứng minh được phần diện tích được sử dụng làm ki ốt cho thuê hiện nay là phần sở hữu của chủ đầu tư. Trong khi phía Ban quản trị các tòa nhà này lại dần chứng minh được các ki ốt cho thuê thuộc phần diện tích chung và đòi quyền được thu tiền cho thuê ki ốt để bổ sung vào quỹ vận hành các tòa nhà, nên họ không biết theo ai.
Như vậy, câu chuyện giữa khách thuê ki ốt và HUD vẫn bắt nguồn từ chuyện tranh chấp diện tích chung, riêng.
Vụ tranh chấp gây chú ý không chỉ bởi sự căng thẳng của nó, mà rất có thể đây còn là vụ tiền đề cho các tranh chấp tại các khu chung cư khác. Vì sao vậy?
Câu trả lời rất đơn giản, bởi hiện trên địa bàn Hà Nội hiện nay, tại nhiều khu chung cư, tầng 1, hoặc sảnh nhà chung cư không phân định được sở hữu chung riêng, nhưng đa số các chủ đầu tư đang tận dụng, phân chia thành các ki ốt cho thuê kinh doanh.
Đường dây nóng của Đầu tư Bất động sản và bản thân người viết cũng đã nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc sống tại một số chung cư, nhất là ở các khu tái định cư, hay tại Khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) về việc ban quản lý, chủ đầu tư tòa nhà sử dụng phần diện tầng 1 và thậm chí sân chơi để chia lô cho thuê. Khi tiếp xúc với cư dân để viết bài phản ánh, người viết cảm nhận được sự bức xúc của họ.
Đúng là sống trong khu chung cư có hàng trăm, thậm chí là cả nghìn hộ với hàng nghìn con người với các tính cách khác nhau, trong khi thị trường còn thiếu minh bạch và “mỗi người hiểu một kiểu” như ông Hiệp nói, thì tranh chấp là điều dễ xảy ra. Tranh chấp nhà chung cư vì thế có thể nảy sinh và bùng nổ bất cứ lúc nào và vì bất cứ nguyên nhân nào.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com