Thấy gì từ sự bùng nổ giao dịch trong quý III?

(ĐTCK) Quý III/2014 là khoảng thời gian thị trường giao dịch sôi động nhất trong năm. Dành chút thời gian để nhìn lại có thể giúp các nhà đầu tư rút ra điều gì đó bổ ích.
Thấy gì từ sự bùng nổ giao dịch trong quý III?

Theo số liệu tổng hợp từ 2 sàn, giá trị giao dịch toàn thị trường trong quý vừa rồi gần chạm con số 210.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với quý liền trước và tăng 16,6% so với quý I. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì thanh khoản quý III năm nay cao hơn gần gấp 3 lần.

Trong khi thị trường chung đầy hưng phấn như thế, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tục với tổng giá trị bán ròng quý III lên đến 1.238 tỷ đồng.

Về phía các nhà đầu tư trong nước, khối CTCK cũng đẩy mạnh bán ra. Theo thống kê của ĐTCK, 10 CTCK có giá trị danh mục đầu tư chứng khoán ngắn hạn và dài hạn giảm tương đối mạnh, với tổng mức giảm lên đến 1.634 tỷ đồng. Lưu ý, con số này đã loại ra các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

CTCK Sài Gòn (SSI) chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất, nhưng theo báo cáo của công ty mẹ, danh mục đầu tư ngắn hạn trong quý III đã giảm 436 tỷ đồng và chứng khoán dài hạn sẵn sàng để bán cũng giảm 110 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ 11 CTCK đã bán ra 2.180 tỷ đồng. Thực ra, có 5 CTCK khác đã gia tăng mua vào đó là MB (MBS), VPBank (VPBS), Sài Gòn-Hà Nội (SHS), VNDirect (VNDS) và Kim Long (KLS) với tổng mức mua ròng hơn 582 tỷ đồng. Tất cả các CTCK còn lại không có nhiều thay đổi.

Tính sơ sơ, chỉ riêng 2 nhóm đối tượng nhà đầu tư nước ngoài và CTCK đã bán ròng khoảng 2.835 tỷ đồng. Vậy ai mua vào? Chẳng ai khác, đó chính là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Chính sự “say máu” của các nhà đầu tư thường được xem là nhỏ lẻ này đã tạo cơ hội tốt cho các đối tượng khác thoát hàng.

Gọi là “say máu” vì họ đã mạnh tay sử dụng đòn bẩy, đến mức nhiều tài khoản không những “full” chứng khoán mà còn “full” cả margin.

Mặc dù không có số liệu chính xác nào về dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường được công bố, nhưng trong nhiều bản tin hàng ngày của mình, CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, con số này đạt mức cao nhất của năm vào quý III/2014.

Xin nói thêm, vì chỉ là phỏng đoán nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng của mình tư nên HSC không đưa ra một con số cụ thể nào. Cách HSC làm là điện thoại cho các CTCK “bạn” có hoạt động margin tương đối sôi nổi để trao đổi số liệu.

Thấy gì từ sự bùng nổ giao dịch trong quý III? ảnh 1

Mảng tự doanh của nhiều CTCK đã lãi đậm, chẳng hạn như Vietcombank (VCBS) có doanh thu tự doanh quý III đạt xấp xỉ 65,8 tỷ đồng, BIDV (BSC) hơn 55 tỷ đồng, HSC 45,6 tỷ đồng, Rồng Việt (VDSC) 33,7 tỷ đồng, Bản Việt (VCSC) 20 tỷ đồng và Bảo Việt (BVSC) 16,7 tỷ đồng.

Lưu ý, doanh thu tự doanh của CTCK không chỉ đơn thuần là khối lượng chứng khoán bán ra nhân với giá bán, mà nó đã được trừ đi giá vốn; doanh thu này cũng không bao gồm hoàn nhập dự phòng vì phần dự phòng nếu được hoàn nhập thì tính vào (giảm) chi phí.

Trong những phiên điều chỉnh mấy tuần vừa qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước đã phải bán chứng khoán giải chấp. Các nhà đầu tư nước ngoài đã túc tắc mua ròng trở lại. Có lẽ các CTCK cũng theo xu hướng này. Như vậy, sắp tới, nếu thị trường xuất hiện một con sóng tăng mới, túi của các nhà đầu tư chuyên nghiệp này sẽ lại tiếp tục rủng rỉnh tiền.

Hà Thái

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục