Thấy gì từ làn sóng lên "tổng" của các DN bảo hiểm

(ĐTCK-online) Chuyển đổi mô hình họat động đang là ưu tiên lựa chọn của các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Việc chuyển đổi chỉ là "bình cũ rượu mới" hay là thay "chiếc áo đã chật"?
Việc chuyển đổi mô hình hoạt động có thể giúp DN tăng vị thế khi đàm phán - Ảnh: Hoài Nam Việc chuyển đổi mô hình hoạt động có thể giúp DN tăng vị thế khi đàm phán - Ảnh: Hoài Nam

Trào lưu

Không chỉ kinh doanh bảo hiểm, do nằm trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã được "chỉ định" nắm giữ cổ phần tại một doanh nghiệp truyền thông, quản lý Bệnh viện Dung Quất… Bên cạnh đó, trước nhu cầu mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm, vừa qua PVI đã quyết định chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Cơ cấu tổ chức của DN này giống như một tập đoàn, mặc dù tên vẫn là tổng công ty.

Không có thêm nhiều hoạt động mới như PVI, nhưng thị trường bảo hiểm cũng chứng kiến sự chuyển đổi mô hình hoạt động của nhiều DN thuộc phân khúc trung bình. Ngày 10/6, Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã ra mắt dưới tên gọi mới là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội và các công ty bảo hiểm MIC khu vực phía Bắc. Như vậy, MIC sẽ có 19 công ty thành viên trực thuộc và một công ty đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính… Sau khi lên "tổng", MIC đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%, lợi nhuận tăng 20% so với năm 2010. Trong quý III/2011, dự kiến MIC sẽ tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng, nếu điều kiện cho phép, Tổng công ty sẽ xin thành lập thêm 5 công ty thành viên tại miền Bắc và miền Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình tổng CTCP góp phần tạo điều kiện cho MIC có thể phát huy tốt nguồn nhân lực sẵn có, mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng lĩnh vực kinh doanh, phát triển thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm mới.

Một gương mặt có tuổi đời còn khá trẻ là CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC) cũng vừa thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động.  Sau gần 3 năm hoạt động với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và các cổ đông, SVIC đã có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô, phạm vi họat động. Năm 2010, SVIC trở thành DN bảo hiểm đứng thứ 13/28 DN bảo hiểm phi nhân thọ, tăng 4 bậc so với năm 2009, chiếm 1,62% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ. SVIC đã mở rộng mạng lưới kinh doanh bảo hiểm với 14 công ty thành viên và hơn 30 phòng bảo hiểm tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước.

Nói về mục tiêu khi chuyển sang hoạt động theo mô hình tổng công ty, ông Bùi Đức Song, Tổng giám đốc SVIC cho biết, việc chuyển đổi mô hình giúp SVIC ngang tầm các DN bảo hiểm khác khi cung cấp các dịch vụ bảo hiểm lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho SVIC trong kinh doanh và phù hợp với tầm vóc phát triển của DN trong giai đoạn mới.

Sau khi cổ phần hoá năm 2010, Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC) đã thực hiện chuyển ngay sang mô hình tổng CTCP. Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC cho rằng, thay đổi mô hình hoạt động BIC không chỉ về mặt tên gọi, hình thức, mà sẽ là tiền đề cho những thay đổi toàn diện về tư duy kinh doanh, hiệu quả hoạt động.

 

Đợi thay đổi về chất

Nói về việc chuyển đổi mô hình lên tổng và chuyển đổi các chi nhánh thành công ty của các DN bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, điều này giúp tư cách pháp nhân của DN có vị thế cao hơn khi tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng. Việc chuyển lên tổng cũng tạo điều kiện cho các DN mở mang kinh doanh xung quanh lĩnh vực chính như: đầu tư, giám định, phương tiện giao thông, gara ôtô…

Tuy nhiên, theo ông Lộc, việc lên tổng cũng đặt các DN trước thách thức về quản trị nguồn nhân lực, quản trị công nghệ. Làm thế nào để có được các giám đốc công ty đủ tầm thay vì giám đốc chi nhánh như trước đây trong bối cảnh nhân lực ngành bảo hiểm ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, việc mở rộng kinh doanh khiến quản trị rủi ro trở thành thách thức không nhỏ. Hệ thống công nghệ thông tin vốn còn nhiều tồn tại, khi chuyển sang mô hình tổng công ty, nếu không được đầu tư mạnh mẽ sẽ không tương thích, thông suốt…

Một chuyên gia về bảo hiểm thì cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất và đảm bảo hiệu quả hoạt động đối với DN khi chuyển thành tổng công ty là quy mô doanh thu và vốn chủ sở hữu. Một công ty thuộc tổng công ty sẽ yêu cầu mức doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm, lớn hơn nhiều so với một chi nhánh trước đây. Và chỉ DN có quy mô vốn lớn (hiện tại đa số ở mức trên 300 tỷ đồng) mới có thể thành lập công ty đầu tư riêng biệt thay vì là một phòng ban trong công ty. Nếu nhìn vào những tiêu chí này, rõ ràng các DN phải mở rộng kinh doanh, nâng quy mô vốn điều lệ nhiều hơn sau khi lên "tổng".

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục