Cụ thể, ông Trần Hữu Linh, nguyên Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ này đã chính thức được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng của Bộ Công Thương. Hiện chưa rõ người sẽ thay ông Linh ở chức vụ Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.
Ông Trần Hữu Linh sinh năm 1977, Cử nhân Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Công nghệ thông tin.
Ông Linh được lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá là đã có nhiều thành công trên vai trò Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ. Trong nhiều năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển nhanh và cơ bản được quản lý có hiệu quả. Các chính sách, quy định về quản lý, phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam đã liên tục được cập nhật, hoàn thiện.
Vị trí Chánh văn phòng của Bộ Công Thương được cho là vị trí rất quan trọng của Bộ này do Bộ Công Thương là một Bộ lớn - nhiều người cho là "siêu bộ" sau khi sáp nhập 2 Bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII.
Tuy nhiên, vị trí Chánh văn phòng của Bộ này trong thời gian qua được bỏ trống và từ khi thành lập Bộ Công Thương có 3 người giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng phụ trách là ông Trịnh Xuân Thanh sau đó là ông Võ Thanh Hà (nguyên là thư ký của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông Hà hiện nay đã được chuyển về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty Cổ phần rượu bia và nước giải khát Sài Gòn), sau đó là ông Vũ Hùng Sơn (tiếp nhận chức vụ trên từ tháng 10/2015, khi đó, ông Sơn mới 31 tuổi).
Ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều tai tiếng trong quá trình bổ nhiệm từ khi làm Phó chánh văn phòng kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Công Thương tại Đà Nẵng do trong thời kỳ làm lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), có trách nhiệm khi để doanh nghiệp này thua lỗ trên 3000 tỷ đồng.
Sau khi rời chức vụ Phó Chánh Văn phòng phụ trách Bộ Công Thương (để ông Võ Thanh Hà tiếp quản), ông Thanh nhanh chóng được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ khác nhau ở Bộ Công Thương rồi được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm Đại biểu Quốc hội.
Hiện nay, sau những phản ánh trên báo chí về những vi phạm trong sử dụng biển xe công (dùng cho xe cá nhân) và những yếu kém trong thời gian làm lãnh đạo ở PVC, ông Thanh đã không tái đề cử để bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và vẫn đang trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Võ Thanh Hà sau khi tiếp nhận chức vụ Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương và sau này làm Chủ tịch Sabeco cũng phải nhận nhiều chỉ trích, nhất là từ Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). VAFI cho rằng, việc điều động ông Hà về Sabeco là bất hợp lý do ông Hà được cho là thiếu kinh nghiệm và yếu về năng lực quản trị doanh nghiệp.
Ông Vũ Hùng Sơn là người thứ 3, gần nhất, giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng phụ trách của Bộ Công Thương (có thời gian kiêm vai trò thư ký cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng). Ông Sơn sinh năm 1984, là con trai của ông Vũ Mạnh Hải, chủ Doanh nghiệp vàng bạc Bảo Tín Mạnh Hải, cháu ruột của chủ Doanh nghiệp vàng bạc Bảo Tín Minh Châu. Trước khi đảm nhiệm vị trí trên, ông Sơn cũng từng có khoảng 8 tháng ở vị trí Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại sau kỳ thi tuyển lãnh đạo đơn vị lần đầu tiên được tổ chức ở Bộ này.
Theo nguồn tin của Dân trí, dự kiến trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ có nhiều thay đổi nhân sự ở một số đơn vị cấp vụ: Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường trong nước...