CTCP Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội tiền thân là Nhà máy Chế tạo biến thế.
Năm 2005, Nhà máy thực hiện cổ phần hóa với tên gọi mới là CTCP Chế tạo biến thế Hà Nội. Sau đó, Công ty được hợp nhất với CTCP Thiết bị điện Hà Nội và có tên gọi như hiện nay, với vốn điều lệ 35 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất - kinh doanh của BTH không hiệu quả, liên tục thua lỗ. Nguyên nhân được BTH nhìn nhận là do sản phẩm của Công ty (máy biến áp điện lực, thiết bị điện) chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất lớn và cả các hộ sản xuất nhỏ, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất không được nâng cấp kịp thời...
Năm 2010, Công ty đã niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX với mã BTH. Ðến năm 2015, cổ phiếu BTH bị hủy niêm yết bắt buộc do Công ty lỗ 3 năm liên tiếp từ 2012 - 2014. Riêng năm 2013, Công ty lỗ tới 13,5 tỷ đồng.
Năm 2017, cổ phiếu của BTH được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thông tin do Công ty công bố cho thấy, năm 2015 và 2016, Công ty đều không chia cổ tức do lãi ít hoặc không có lãi. Tình hình thua lỗ khiến giá cổ phiếu BTH giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 3.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù chỉ là một doanh nghiệp vốn nhỏ, nhiều năm thua lỗ, hoạt động kinh doanh lõi không có gì nổi bật, nhưng trụ sở của BTH lại tọa lạc trên khu đất có diện tích 14.786m2 tại số 55 đường K2 (nay là đường Nguyễn Văn Giáp) Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ðây là loại đất thuê của Nhà nước, thời hạn 30 năm, thời gian bắt đầu thuê từ năm 2006.
Trở lại với câu chuyện thâu tóm BTH của CTCP Ðầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành Group), vào cuối năm 2017, BTH tổ chức Ðại hội đồng cổ đông bất thường thông qua chủ trương phát hành thêm 21,5 triệu cổ phần, với giá phát hành bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần) để tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng.
Trong đó, Hoàng Thành Group mua hơn 11 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại BTH từ 49,49% lên 51%, vừa đúng tỷ lệ chi phối. Phần còn lại được chào bán cho hai cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Hoa Cương và ông Hoàng Ngọc Kiên.
Cùng với việc phát hành tăng vốn, BTH đã thống nhất chủ trương dừng sản xuất, tiếp tục duy trì các hoạt động thương mại và thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh trên khu đất trụ sở. Có lẽ đây chính là mục tiêu dẫn đến sự có mặt của Hoàng Thành Group tại BTH.
Ðược biết, Hoàng Thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội, với các dự án lớn như Mulberryland, liên doanh với CapitalLand (Singapore), ParkCity liên doanh với đối tác Desa Park City (Malaysia) hay Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Ðế...
Theo ghi nhận của Báo Ðầu tư Chứng khoán, hiện trạng khu đất tại 55 K2 Cầu Diễn vẫn đang được sử dụng làm trụ sở của Công ty, một phần diện tích được cho thuê. Khu đất chỉ cách mặt đường Hồ Tùng Mậu vài bước chân, cách Khu đô thị Vinhomes Gardennia tầm 500 m và gần Chung cư Vinaconex 7.
Phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Thành Group nhằm tìm hiểu tiến độ thực hiện dự án cũng như câu chuyện phát triển BTH hậu thâu tóm. Tuy nhiên, bà Ngọc hẹn sẽ trao đổi về các thông tin này sau khi lệnh cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 chấm dứt.