Tâm lý lo sợ vẫn lấn át giới đầu tư phố Wall khi bước vào phiên giao dịch thứ Năm.
Lệnh ngừng bắn ở Ukraine có nguy cơ bị phá vỡ khi tiếng súng gần như chưa dứt ở miền Đông Ukraine, thậm chí trong ngày hôm qua, quân ly khai tố quân đội Ukraine cố thủ ở sân bay ngoại ô thành phố pháo kích bằng súng cối vào khu căn hộ ở TP. Donetsk.
Trong khi đó, Nga công bố khởi tố hình sự đối với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeriy Geletey và một số lãnh đạo cao cấp khác của quân đội chính phủ Ukraine vì cho rằng những người này đã ra lệnh thảm sát dân thường ở miền Đồng Ukraine.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo lắng về sự bất ổn ở Hồng Kông khi các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Những lo lắng này khiến phố Wall chịu áp lực bán tháo và lao dốc mạnh, tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã được tung vào, cùng với sự phục hồi của giá dầu giúp cổ phiếu năng lượng tăng giá đã giúp phố Wall hồi dần về cuối phiên và đóng cửa gần như ở điểm xuất phát.
Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Dow Jones giảm 3,66 điểm (-0,02%), xuống 16.801,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,01 điểm (+0,00%), đứng ở 1.946,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 8,11 điểm (+0,18%), lên 4.430,20 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại lình xình gần như phần lớn thời gian của phiên giao dịch thứ Năm để chờ đợi kết quả từ cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Và khi những tuyên bố của Chủ tịch ECB Mario Draghi được đưa ra ở cuộc họp báo sau cuộc họp, giới đầu tư chứng khoán châu Âu đã nháo nhào tháo chạy, khiến các chỉ số lao dốc không phanh trong những phút cuối phiên. May mắn cho chứng khoán châu Âu là thời gian giao dịch còn lại không quá nhiều, nếu không đà giảm của các thị trường còn mạnh hơn.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, ông Draghi không đề cập thêm gì về chính sách mới của ECB để giúp nền kinh tế châu Âu vốn đang rất mong manh hồi phục trở lại.
Dữ liệu trước đó vừa công bố cho thấy, lạm phát khu vực đồng tiền chung đứng ở mức rất thấp 0,3%, sản xuất của Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực và là đầu tàu của “lục địa già” sụt giảm lần đầu sau 15 tháng trong tháng 9, đơn đặt hàng mới khu vực giảm sau 1 năm và tăng trưởng của khu vực chậm lại.
Với những dữ liệu yếu kém này, giới đầu tư kỳ vọng ECB sẽ có thêm chính sách kích thích kinh tế như tăng thêm liều lượng của chương trình mua trái phiếu. Tuy nhiên, những gì ông Draghi đưa ra đã làm thất vọng nhà đầu tư, đẩy chứng khoán khu vực có phiên giảm tồi tệ nhất trong 15 tháng qua.
Kết thúc phiên 2/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 111,13 điểm (-1,69%), xuống 6.446,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 186,35 điểm (-1,99%), xuống 9.195,68 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 122,60 điểm (-2,81%), xuống 4.242,67 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế kém khả quan, cùng sự kiện Hồng Kông tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán Nhật Bản, thậm chí chứng khoán Nhật còn có phiên giảm tồi tệ nhất trong 6 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 420,26 điểm (-2,61%), xuống 15.661,99 điểm. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vẫn nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc.
Việc ECB không đưa ra thêm chính kích thích kinh tế khiến đà tăng của đồng USD với euro cũng bị chặn lại và có tác động tích cực lên giá vàng. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế yếu kém, cùng những căng thẳng địa chính trị ở Ukraine, Trung Đông, Hồng Kông cũng góp phần hỗ trợ cho giá vàng.
Tuy nhiên, trong phiên thứ Năm, giá kim loại quý này không thể bứt phá, bởi giới đầu tư còn chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu này. Đây vốn được giới đầu tư xem là dữ liệu quan trọng nhất để phản ánh sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới và có tác động lớn tới các thị trường, từ chứng khoán, tới các loại hàng hóa khác như vàng.
Kết thúc phiên 2/10, giá vàng giao ngay tăng 1,3 USD (+0,11%), lên 1.214,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,4 USD (-0,03%), xuống 1.215,1 USD/ounce.
Giá dầu thô có sự trái chiều trong phiên thứ Năm. Trong khi dầu thô Mỹ hồi phục trở lại, thì giá dầu thô Brent vẫn giảm khá mạnh.
Kết thúc phiên 2/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,28 USD (+0,31%), lên 91,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,74 USD (-0,79%), xuống 93,42 USD/thùng.