Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ Năm (18/2), Phố Wall lao dốc khi đón nhận dữ liệu cho thấy bức tranh kinh tế ảm đạm.
Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

Đầu ngày thứ Năm, thị trường tập trung vào báo cáo thất nghiệp tuần qua tại Mỹ. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 13/2 ghi nhận mức 861.000 người (số liệu đã được điều chỉnh theo mùa). Con số trên cao hơn so với mức 848.000 ghi nhận trong tuần trước đó và vượt khá xa mức dự báo 765.000.

Một trong những lý do dẫn đến sự gia tăng trên đến từ việc việc các nhà máy ô tô bắt đầu đóng cửa tạm thời từ tuần trước do tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu.

Theo giới quan sát, mặc dù nền kinh tế Mỹ trong quý đầu tiên có vẻ phục hồi mạnh hơn dự kiến, nhưng điều này dường như không đúng với thị trường lao động tại thời điểm hiện tại.

Tốc độ triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 gia tăng, số ca nhiễm mới giảm, kết quả kinh doanh quý IV/2020 của doanh nghiệp khả quan và hy vọng về nền kinh tế tốt hơn trong nửa cuối năm 2021 đã đưa thị trường chứng khoán lên mức kỷ lục trong tháng này, song hiện tại các nhà đầu tư hiện đang có ít lý do hơn để xuống tiền.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất Fed Philadelphia giảm xuống mức 23,1 trong tháng 2 từ mức 26,5 trong tháng trước. Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng được kết hợp bởi kết quả kinh doanh quý IV yếu hơn kỳ vọng từ nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart khiến thị trường bán tháo trên diện rộng.

Mặt khác, số ca nhiễm Covid-19 đang giảm ở Mỹ với trung bình cả nước có 77.661 ca mắc mới mỗi ngày trong tuần qua, giảm 43% so với mức trung bình hai tuần trước và cho đến nay đã có 57,4 triệu người Mỹ, tương đương 17% dân số, được tiêm chủng, tỷ lệ 1,61 triệu liều mỗi ngày, theo dữ liệu tổng hợp từ Đại học Johns Hopkins .

Tại Washington, các nhà lập pháp vẫn đang tích cực thảo luận về các điều khoản trong gói viện trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chính quyền ông Biden dự kiến vào tháng tới sẽ đưa ra kế hoạch phác thảo một chương trình nghị sự tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng.

Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Dow Jones giảm 119,68 điểm (-0,38%), xuống 31.493,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,36 điểm (-0,44%), xuống 3.913,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 100,14 điểm (-0,72%), xuống 13.865,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu đánh dấu phiên thứ ba liên tiếp giảm điểm vào thứ Năm khi một loạt các báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ các tên tuổi lớn được công bố.

Cụ thể, hãng sản xuất máy bay Airbus lỗ ròng 1,3 tỷ USD trong năm 2020 và sẽ không trả cổ tức cho năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hãng hàng không Air France-KLM ghi nhận mức lỗ ròng lên tới 8,6 tỷ USD trong năm 2020, đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Doanh thu của hãng đã giảm gần 60% xuống còn 13,37 tỷ USD trong bối cảnh số lượng khách giảm 67% xuống còn 28,8 triệu người.

Trong khi đó, Orange, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Pháp, cũng báo cáo lợi nhuận hoạt động cốt lõi giảm trong quý IV.

Kết thúc phiên 18/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 93,75 điểm (-1,49%), xuống 6.617,15 điểm. Chỉ số DAX tại giảm 22,34điểm (-0,16%), xuống 13.886,93 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 37,51 điểm (-0,65%), xuống 5.728,33 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm khi các nhà đầu tư bắt đầu thận trọng hơn sau đợt tăng mạnh mẽ gần đây kéo chỉ số chính vượt mốc 30.000 điểm

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu với một phiên tăng điểm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi giới đầu tư chốt lời sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp trước đó. Chứng khoán Hàn Quốc giảm bởi những lo lắng về tình hình dịch Covid-19 trong nước kéo dài.

Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 56,10 điểm (-0,19%), xuống 30.236,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,27 điểm (+0,55%), lên 3.675,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 489,67 điểm (-1,58%), xuống 30.595,27 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 47,07 điểm (-1,50%), xuống 3.086,66 điểm.

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Năm sau 5 phiên liên tiếp lao dốc. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 của Mỹ giảm đã hỗ trợ giá vàng. trong phiên đêm qua, song vẫn không thể kéo kim loại quý này tăng trở lại.

Kết thúc phiên 18/2, giá vàng giao ngay giảm 0,60 USD (-0,03%), xuống 1.775,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 2,20 USD (+0,12%) 1.774,0 USD/ounce.

Giá dầu quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Năm bất chấp tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh do giới đầu tư chốt lời sau chuỗi phiên tăng giá liên tiếp được thúc đẩy bởi tình hình thời tiết giá lạnh ở bang sản xuất năng lượng lớn nhất của Mỹ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Năm cho biết, các kho dự trữ dầu thô giảm 7,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 12/2, so với kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích.

Kết thúc phiên 18/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,62 USD (-1%), xuống 60,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,41 USD (-0,6%), xuống 62,26 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ