Đón dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư vẫn hoang mang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục diễn biến trái chiều trong ngày thứ Tư (17/2).
Đón dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư vẫn hoang mang

Chứng khoán Mỹ phiên đêm qua hướng về những văn bản chi tiết xung quanh cuộc họp chính sách hồi tháng 1 của Cục dự trữ Liên bang (Fed).

Theo đó, tất cả quan chức tham gia cuộc họp đều ủng hộ quyết định duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, cam kết giữ lãi suất gần bằng 0 cho đến khi lạm phát tăng lên 2% trong bối cảnh các điều kiện kinh tế hiện vẫn còn cách xa so với mục tiêu dài hạn của Fed.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đồng thời nhắc lại rằng, họ muốn thấy lạm phát duy trì trước khi xem xét đến việc kết thúc chương trình mua trái phiếu và bắt đầu tăng lãi suất.

Văn bản về cuộc họp của Fed được đưa ra sau khi dữ liệu mới nhất do chính phủ Mỹ công bố cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 5,3% trong tháng 1, vượt quá kỳ vọng của giới phân tích. Doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm 1% trong tháng 12 do các ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến.

Trong khi đó, một báo cáo riêng về sản xuất công nghiệp từ Fed cho thấy mức tăng 0,9% trong tháng 1/2021, cũng cao hơn dự báo của các nhà kinh tế về mức tăng 0,5%. Các doanh nghiệp đồng thời đã bổ sung hàng tồn kho nhiều hơn dự kiến trong tháng 12.

Tuy nhiên, những dấu hiệu về sự gia tăng áp lực giá đã xuất hiện khi nền kinh tế phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra trong bối cảnh các gói kích thích tài chính khổng lồ được tung ra.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng 1,3% trong tháng 1/2021 từ mức 0,3% trong tháng 12, ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2009. Tính trên cơ sở hàng năm, chỉ số PPI đã tăng từ 0,8% lên 1,7% và cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 0,9%.

Dữ liệu kinh tế gần đây đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ. Hôm 16/2, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức lợi suất gần 1,30%, mức cao nhất kể từ ngày 26/2/2020.

Kết thúc phiên 17/2, chỉ số Dow Jones tăng 90,27 điểm (+0,29%), lên 31.613,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,26 điểm (-0,03%), xuống 3.931,33 điểm. Chỉ số giảm 82 điểm (-0,58%), xuống 13.965,50 điểm.

Cổ phiếu châu Âu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ tư do thị trường lo ngại về khả năng lạm phát tăng đột biến trong thời gian tới, đồng thời, lợi suất trái phiếu tăng gây áp lức lên dòng tiền đến với tài sản rủi ro.

Kết thúc phiên 17/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 37,96 điểm (-0,56%), xuống 6.710,90 điểm. Chỉ số DAX tại giảm 155,33 điểm (-1,10%), xuống 13.909,27 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 20,59 điểm (-0,36%), xuống 5.765,84 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng mạnh mẽ gần đây kéo thị trường đạt đỉnh 30 năm.

Mặt khác, trong khi chứng khoán Trung Quốc chưa mở cửa trở lại thì chứng khoán Hồng Kông đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp với tâm lý lạc quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm sau khi chuỗi ba phiên tăng liên tiếp do số trường hợp nhiễm Covid-19 mới hôm thứ Tư tại nước này chạm mức cao nhất trong 39 ngày

Kết thúc phiên 17/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 175,56 điểm (-0,58%), xuống 30.292,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 338,28 điểm (+1,10%), lên 31.084,94 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 29,52 điểm (-0,93%), xuống 3.133,73 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm sau trong phiên giao dịch đêm qua, xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD đều tăng tiếp tục gây áp lực lên kim loại quý.

Kết thúc phiên 17/2, giá vàng giao ngay giảm 17,60 USD (-0,98%), xuống 1.775,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 26,1 USD (-1,45%), xuống 1.771,80 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục bay cao trong phiên ngày thứ Tư trong bối cảnh băng giá bao trùm miền Nam nước Mỹ khiến Texas, bang sản xuất dầu thô của Mỹ, dừng các hoạt động khai thác. Thời tiết lạnh bất thường dự kiến sẽ còn cản trở sản lượng dầu của Mỹ trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần tới.

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 12/2, xuống còn khoảng 468 triệu thùng, nhiều hơn so với mức giảm 2,4 triệu thùng mà giới phân tích kỳ vọng, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy.

Trong khi đó, trong một tuyên bố nhằm xoa dịu lo ngại OPEC+ sẽ công bố kế hoạch nâng sản lượng sau cuộc họp vào tháng tới, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, cho biết, còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng đại dịch và các nhà sản xuất dầu phải vẫn cần "cực kỳ thận trọng”. OPEC+ sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 4/3, sau khi chứng kiến đợt tăng giá mạnh mẽ vừa qua.

Kết thúc phiên 17/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,09 USD (+1,8%), lên 61,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,99 USD (+1,6%), lên 64,34 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ