Thất nghiệp và những con số không thể vô cảm

Nếu như những con số tưởng chừng rất khô cứng, về tăng trưởng GDP, về kim ngạch xuất nhập khẩu, về giá trị sản xuất công nghiệp… khiến không ít người bỏ qua, thì số liệu thống kê về tình hình mất việc làm do tác động của Covid-19 lại khiến nhiều người không thể vô cảm.
Thất nghiệp và những con số không thể vô cảm

Chỉ trong quý I/2020, đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như vận tải, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, dệt may, da giày...

Nếu diễn biến dịch vẫn có xu thế đi ngang như hiện nay, thì ước tính trong quý II/2020, sẽ có trên 250.000 lao động tại doanh nghiệp bị mất việc và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Kéo theo những lao động mất việc, sẽ là hàng triệu người khác bị ảnh hưởng, bao gồm cả nhóm người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cả những người làm việc thời vụ, không có giao ước lao động…               

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi xây dựng gói hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi Covid -19 đã tính toán rằng, sẽ có khoảng 20 triệu người được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội đó.

Điều này đồng nghĩa 20 triệu người có thể đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của Covid-19.

Thực ra, đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Cả thế giới đang lo lắng khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tại Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng vọt lên mức kỷ lục 6,65 triệu người vào đầu tháng 4/2020.

Dịch bệnh xảy ra, nhiều ngành nghề tổn hại lớn, nhiều người mất việc làm. Rất nhiều người lo lắng, hoảng loạn vì không biết cuộc sống sẽ tiếp diễn ra sao. Chưa bao giờ, những người còn có việc làm, còn được nhận lương hàng tháng, dù đã bị giảm đáng kể, vẫn cảm thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người khác.

Cả thế giới đang gồng mình chống dịch. Việt Nam cũng vậy. Chống dịch là để bảo vệ sức khỏe cho người dân, cũng là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ việc làm, thu nhập cho người dân. Cùng chung tay trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 là điều nên làm.

Nhưng rõ ràng, những hệ lụy quá lớn đã bắt đầu phát lộ. Người dân mất việc làm đồng nghĩa với mất thu nhập, đời sống bị đe dọa. Rất có thể, điều này không chỉ ảnh hưởng đến an sinh, mà còn là tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đó là nỗi lo, là áp lực vô cùng lớn.

Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Chính phủ đã đề xuất gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đó là điều cần thiết và nên làm, không chỉ vì ý nghĩa nhân văn, mà còn góp phần để duy trì tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhất trí với đề xuất này và giao các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh nghị quyết để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật. 

Có lẽ, điều mà những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mong mỏi lúc này là gói hỗ trợ trên sớm được triển khai.

Nhưng hỗ trợ an sinh xã hội chỉ là một chuyện. Điều cần thiết lúc này là triển khai đồng bộ các gói hỗ trợ tiền tệ và tài khóa khác, để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ở mức tốt nhất có thể. Khi doanh nghiệp cầm cự được qua giai đoạn hiện nay, thì việc làm cũng được duy trì, tỷ lệ mất việc làm sẽ không tăng lên quá cao, để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.

Trên thực tế, các số liệu về tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất nhập khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp… có mối liên quan chặt chẽ với số liệu về tỷ lệ có việc làm hay thất nghiệp. Kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, nhưng khi dịch bệnh qua đi, thì sẽ là cơ hội để kinh tế phục hồi. Bởi thế, cần bắt đầu tính tới việc khởi động một chương trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Kinh tế phục hồi sẽ xua tan nỗi lo thất nghiệp.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục