Tuy nhiên, trước tình hình của thị trường hiện nay, việc xử lý nợ xấu có những khó khăn nhất định, đòi hỏi trích lập dự phòng đầy đủ. Vì thế, việc trả cổ tức ngân hàng cũng khó kỳ vọng cao nên cần sự chia sẻ của cổ đông.
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu
Năm 2015 là năm hết sức quan trọng trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tiến trình này.
Tái cơ cấu đặt ra 2 mục tiêu là nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và năng lực quản trị.
Thực hiện được các mục tiêu này, các ngân hàng mới có thể tái cơ cấu thành công. Và trong quá trình tái cơ cấu, các ngân hàng rất cần sự đồng lòng của các cổ đông khi phải tập trung mọi nguồn lực để nâng cao năng lực tài chính, quy mô cũng như quản trị… và lợi nhuận thu về trong hoạt động cũng được dành để phục vụ cho quá trình này.
Do đó, việc chi trả lợi tức cho cổ đông sẽ có phần hạn chế. Thậm chí, chủ trương của một số ngân hàng là không chia cổ tức.
Hiện thị trường đã có các ngân hàng sáp nhập và đẩy mạnh tái cơ cấu như: SHB sáp nhập Habubank; HDBank sáp nhập DaiABank, Ngân hàng hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB.
Như chúng ta đã biết, tình hình hoạt động của ngành ngân hàng còn khó khăn khi phải từng bước nỗ lực để kiểm soát nợ xấu.
Dự phòng rủi ro cao khiến lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2014 và năm nay, khi ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ở giai đoạn cuối. Vì vậy, việc kỳ vọng cổ tức cao trong bối cảnh thị trường hiện nay không phải là điều dễ dàng.
Thực tế cho thấy, trong năm 2013 và 2014, nhiều ngân hàng không chia được cổ tức, mà chủ yếu là tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng.
Việc cổ đông đòi hỏi tỷ lệ cổ tức và đặt ra câu hỏi tại sao các ngân hàng không chia cổ tức hoặc chia ở mức thấp… là những câu hỏi chính đáng trong kỳ đại hội ngân hàng năm nay. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, các ngân hàng chia cổ tức ở mức thấp, nhằm tập trung trích dự phòng, đẩy mạnh tái cấu trúc.
Một số ngân hàng thương mại năm qua đạt được những kết quả khả quan, song cũng không thể chủ quan trước bối cảnh thị trường còn khó khăn.
Mặt khác, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, nợ xấu luôn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, các ngân hàng rất thận trọng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay chủ yếu là từ hoạt động tín dụng nên chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra thận trọng cũng là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, sau khi Thông tư 36 đã đi vào thực tiễn, trong lộ trình từ nay đến cuối năm, các ngân hàng phải từng bước đưa các chỉ tiêu an toàn về mức hợp lý, tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kể cả nợ xấu đã bán cho VAMC.
Việc quản trị rủi ro của ngân hàng cũng không thể chủ quan, mà cần phải trích dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động khi việc xử lý nợ còn có những khó khăn nhất định.
Cổ tức khó kỳ vọng cao
Với mục tiêu của toàn ngành sẽ kiểm soát nợ xấu về dưới mức 3% đòi hỏi nỗ lực rất lớn của từng ngân hàng. Vì thế, việc cổ tức của một số ngân hàng chia ở mức thấp cũng là điều đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tại một số ngân hàng còn đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính và đó cũng là điều cần được các cổ đông chia sẻ. Bởi mục tiêu cuối cùng là nhằm gia tăng năng lực tài chính cho ngân hàng và đảm bảo khoản đầu tư bền vững của các nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.
Trên thực tế, trong kỳ ĐHCĐ thường niên của hầu hết NHTM năm nay, vấn đề cổ tức được cổ đông rất quan tâm. Đơn cử trường hợp Nam A Bank chia cổ tức ở mức 4%.
Theo các cổ đông, việc chi trả cổ tức hiện nay bị Ngân hàng Nhà nước khống chế không vượt quá 9% và giao cho các ngân hàng chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, các cổ đông cho rằng, tại sao mức cổ tức lại chia thấp như vậy, chỉ với tỷ lệ 4 - 5%, trong khi các năm trước mức chia là 7 - 9%...
Mặc dù vậy, có thể thấy là mức cổ tức phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các ngân hàng. Và nếu chưa chia cổ tức thì sau khi hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, đó là khoản “để dành” của các cổ đông.
Vì vậy, để mỗi ngân hàng và toàn ngành hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững, các cổ đông cần chia sẻ để ngành ngân hàng có thể đạt được mục tiêu tái cấu trúc năm 2015.
Theo Điều 59 Luật Các tổ chức tín dụng, việc chia cổ tức là quyền của cổ đông, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp sâu. Nhưng Khoản 2 Điều 59 luật này cũng quy định, trong một số trường hợp, tùy theo mức độ an toàn hoạt động trước bối cảnh thị trường có khó khăn, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng một số biện pháp đối với tổ chức tín dụng, trong đó có vấn đề hạn chế chi trả cổ tức.
Thứ hai, Đề án 254 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015 đã khẳng định 3 mục tiêu mà tổ chức tín dụng phải đạt được là nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, năng lực quản trị điều hành. Vì thế, tất cả các nguồn, trong đó có lợi nhuận thu về, đều phải được sử dụng để nâng cao năng lực tài chính.
Trong năm 2014, nền kinh tế còn nhiều khó khăn và ngành ngân hàng đang trong giai đoạn quyết liệt tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng và đi liền đó là hoạt động an toàn gắn với tái cơ cấu.
Với những động thái quyết liệt đó, năm qua, toàn ngành ngân hàng đạt được kết quả khả quan. Trong đó, riêng hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đã hoàn thành các chỉ tiêu lớn như vốn huy động tăng 15%, dư nợ tăng 12,1%, lợi nhuận ở mức 20%.
So với các năm trước, mức lợi nhuận này không cao, nhưng là hợp lý trong bối cảnh ưu tiên lớn nhất là tái cơ cấu và ổn định hệ thống.
Một nhiệm vụ lớn đặt ra trong năm nay là quyết liệt xử lý nợ xấu, dù chỉ tiêu đưa nợ xấu về 3% vào cuối năm nay là không dễ. Thông tư 02, với mục tiêu là triệt để xử lý nợ xấu, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng đầy đủ để xử lý rủi ro, mất an toàn hoạt động.
Phần lợi nhuận để lại để nâng cao năng lực hoạt động, từ đó có thể xử lý nợ xấu bằng cách tăng trích dự phòng rủi ro. Đó cũng chính là lý do khiến một số ngân hàng đề xuất không chia cổ tức tại kỳ ĐHCĐ năm nay.
Trên địa bàn TP. HCM chỉ có vài tổ chức được chia cổ tức, trong đó Nam A Bank đứng thứ 2, HDBank dự kiến chia 5%. ACB chia 7%. Nhưng cũng có những ngân hàng chỉ được chia 1,5% cổ tức. Ở một số ngân hàng khác, cổ tức dự kiến cao hơn, nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Nếu so với tỷ lệ tiết kiệm, quả thực mức cổ tức của đa số ngân hàng hiện nay không bằng, nhưng nếu nhìn sang một số ngân hàng hoạt động không an toàn, mất hết vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước buộc mua lại giá 0 đồng thì việc có chia cổ tức đã là những cố gắng lớn của Ban điều hành.
Trên thực tế, với mỗi cổ đông, khi bỏ tiền ra đầu tư, sự xót xa khi đồng tiền bỏ ra chưa mang lại hiệu quả là tâm lý tất yếu. Tuy nhiên, nhìn lại bối cảnh các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính, phần chưa chia cổ tức phải tạo nguồn để sau này chẳng may có rủi ro thì còn có nguồn để xử lý, thì có thể hiểu được bài tính của các ngân hàng hiện nay.
Việc “thắt lưng buộc bụng” cổ tức trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức chính là nền tảng để mỗi ngân hàng có điều kiện tự hoàn thiện và bứt phá khi thị trường thuận lợi hơn. Điều quan trọng là Ban điều hành các ngân hàng phải thuyết phục được các cổ đông đồng hành và chia sẻ với bài toán chuẩn bị cho tương lai này.