“Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn nơi mình sẽ sống”. Thủ tướng Chính phủ dẫn phương châm này và cho rằng, đây là điểm người làm chính sách rất cần suy nghĩ khi xây dựng kế hoạch, tầm nhìn phát triển 2030, tiến đến năm 2045 - là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước. Trên nền tảng một Việt Nam hiện tại, Thủ tướng gợi mở một số ý tưởng về tầm nhìn tương lai và khích lệ tinh thần tư duy, chung tay xây dựng đất nước.
Theo đó, trong tầm nhìn 2030, Việt Nam cần trở thành một xã hội thịnh vượng hơn, người dân có thu nhập trung bình cao, cơ chế thị trường vận hành mạnh mẽ, đảm bảo cạnh tranh công bằng và tự do, trong đó thị trường vốn, thị trường đất đai phát triển lành mạnh, minh bạch.
Các DN Nhà nước ít về số lượng nhưng phải có tiềm lực mạnh và hoạt động theo cơ chế thị trường. “Dù là DN tư nhân hay Nhà nước thì đều phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh, xây dựng chuỗi sản xuất có giá trị toàn cầu trên một sân chơi bình đẳng. Đó là yêu cầu đặt ra trong xây dựng thể chế để thiết kế chính sách phát triển”, Thủ tướng chỉ đạo.
Năm 2030, các ngành công nghiệp hiện đại dựa trên tri thức phải phát triển mạnh, được kết nối giữa thành thị và nông thôn. Những đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM phải tương tác với nền kinh tế toàn cầu, đảm bảo tính đa dạng, khuyến khích sáng tạo và phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. GDP bình quân tại Việt Nam năm 2030 phải đạt ít nhất 18.000 USD/người.
Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá, Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu, tầng lớp tinh hoa có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế. Tầng lớp này cần được phát huy, đẩy mạnh để dẫn dắt khát vọng phát triển phồn vinh.
Bên cạnh các chỉ tiêu tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện tầm nhìn về một môi trường bền vững hơn bằng cách bảo vệ chất lượng không khí, đất và nước, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Để làm được, cần có tầm nhìn sáng tạo, trọng tâm là tạo ra môi trường cởi mở và tự do, khuyến khích học tập, học tập suốt đời để nâng cao tri thức phát triển. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, không chỉ có người trẻ khởi nghiệp mà chính các DN, nhất là DN Nhà nước phải luôn có tinh thần khởi nghiệp, học hỏi, sáng tạo để biến các nguồn lực hiện có thành giá trị. Cần bỏ tư duy cũ mới mong Việt Nam vươn lên.
Chia sẻ về dấu mốc 2045, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là năm ghi một dấu mốc rất đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam khi tròn 100 năm thành lập nước.
Theo đó, ngay từ bây giờ, chúng ta phải xây dựng khát vọng phát triển thịnh vượng, dân tộc Việt Nam sẽ không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Khát vọng và mục tiêu này phải nằm trong ý thức, hành động, quyết tâm của người Việt Nam, mà trước hết là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ giữ vai trò Nhạc trưởng, Kiến trúc sư trưởng trong việc xây dựng và tham mưu cho Đảng và Nhà nước chiến lược, giải pháp phát triển đất nước.
Một trong những mục tiêu 2045 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra là Việt Nam phải xác lập nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cùng với đó là chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đồng thời, cần xác lập mục tiêu Việt Nam có hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, nằm trong Top 20 nước có dịch vụ phát triển tốt. “Phát triển kinh tế là mục tiêu lớn, nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng ta là con người, mà con người trước hết phải được đảm bảo về giáo dục và y tế. Việt Nam phải có ước mơ phát triển đất nước, song song với việc phải duy trì sự ổn định chính trị”, Thủ tướng chia sẻ.
Giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng khích lệ Bộ tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để xây dựng chiến lược và chỉ rõ giải pháp cải cách, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, góp sức thực hiện thành công khát vọng Việt Nam.