Sinh ra từ một gia đình đặc biệt, cô gái trẻ Uyên Phương đã được rèn giũa bản lĩnh sống và tinh thần kinh doanh từ khi còn nhỏ. Uyên Phương đang tiếp bước cha mình, không chỉ điều hành doanh nghiệp, mà còn viết sách và tham gia nhiều hoạt động xã hội để thắp lên niềm cảm hứng kinh doanh cho các bạn trẻ trong một niềm tin rằng, năng lực con người là vô tận và mọi cá nhân đều có giá trị đặc biệt để cống hiến.
Vào năm 2012, sau 15 năm xây dựng Tân Hiệp Phát, Hãng nước giải khát lớn nhất thế giới - CocaCola - đã ngỏ lời mua lại Tân Hiệp Phát với mức giá 2,5 tỷ USD. Vào thời điểm này, ông Trần Quí Thanh, người sáng lập Tập đoàn quyết định không bán.
Ông quyết định giữ quyền làm chủ doanh nghiệp, với khát vọng xây nên một doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu, sản phẩm vươn ra toàn cầu.
Dù gặp không ít sóng gió trên thương trường, nhưng Tân Hiệp Phát đã đứng vững, xác lập vị trí số 1 trong ngành nước giải khát tại Việt Nam, vượt qua mọi đối thủ tại thị trường trong nước và hiện diện ngày một nhiều hơn trên các thị trường quốc tế.
Không chọn phương án bán lại cho Coca-Cola, nhưng quãng thời gian đàm phán cùng cha đã dạy cho Uyên Phương rất nhiều về nghệ thuật đàm phán để không bị loá mắt bởi sức mạnh của một công ty đa quốc gia.
Sau cuốn sách đầu tay “Chuyện nhà Dr. Thanh” Uyên Phương chia sẻ những cảm nhận sâu sắc về tình thương và sự rèn giũa khắc nghiệt về nhân cách sống, mục đích sống từ người cha quả cảm cùng người mẹ có nghị lực phi thường trong gia đình Tân Hiệp Phát, cuốn sách thứ hai “Vượt lên gã khổng lồ” vừa xuất bản tại Mỹ và sắp ra mắt tại Việt Nam, Uyên Phương thể hiện một giá trị khác hẳn.
Cuốn sách thể hiện tầm nhìn và khát vọng của một cô gái Việt, muốn tiếp nối cha mình, “nâng bước chân” người khổng lồ Tân Hiệp Phát bước sang các thị trường quốc tế. Từng là đối thủ, lại cùng ngành, thừa nhận nhau đã khó, nhưng William M. Doheny, cựu Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam đã công khai đánh giá:
“Vượt qua gã khổng lồ là câu chuyện tuyệt vời về động lực, sự kiên trì và chấp nhận rủi ro. Hành trình trình của Dr. Thanh từ trại trẻ mồ côi đến việc thành lập và dẫn dắt doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Việt Nam sẽ là nguồn cảm hứng đối với các doanh nhân trên toàn thế giới”.
Trong một chia sẻ mới đây với các doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Quí Thanh cho biết, lúc nào khát vọng làm chủ cũng chảy trong trái tim ông và vì thế, ông sẵn sàng dành mọi nguồn lực cho khát vọng của mình.
Từ kinh nghiệm cuộc đời mình, ông khuyên các bạn trẻ hãy xác định tâm thế làm chủ ngay khi làm thuê, làm mọi cách để biến những nguồn lực hiện có thành giá trị. Khi khát vọng đủ lớn, khởi sự kinh doanh là bước tiếp theo.
Người khởi nghiệp muốn thành công phải có năng lực lãnh đạo. Lãnh đạo 5 người khác hẳn việc lãnh đạo 50 người và càng khác nếu tổ chức có đến 500 người.
Dr. Thanh đánh giá, doanh nghiệp càng lớn thì sự nguy hiểm, rủi ro không chi phối được, không kiểm soát được ngày càng nhiều, thách thức của doanh nghiệp ngày càng cao. Trong bước đường tạo dựng doanh nghiệp, vượt qua được năm thứ nhất đã giỏi, vượt qua năm thứ nhì giỏi hơn.
Nhưng vượt qua năm thứ 5 thì xứng đáng được coi là kỳ tích vì thực tế, số lượng doanh nghiệp “sống” được đến tuổi thứ 5 thường không quá 10%.
Trên thế giới, hiếm có doanh nghiệp trường tồn 100 năm, còn ở mức 200 năm thì quá hiếm. Thực tế, doanh nghiệp muốn tồn tại phải hội tụ nhiều yếu tố, bởi thiếu một vài kỹ năng, năng lực quản trị, lợi thế cạnh tranh… đều có thể gây phá sản.
Trong rất nhiều yếu tố cần thiết, có một yếu tố bất cứ doanh nghiệp nào muốn “sống thọ” cũng cần xây dựng, đó là lực lượng kế thừa. Doanh nghiệp nào mà người lãnh đạo không thể thay thế thì tuổi thọ của doanh nghiệp phụ thuộc vào tuổi thọ người lãnh đạo.
Một chủ đề được nhiều người quan tâm là doanh nghiệp nên xác định giá trị cốt lõi như thế nào? Dr. Thanh cho rằng, trước hết, mỗi người phải tìm ra cho mình một định nghĩa về giá trị.
“Giá trị là cái gì ta cho là đúng. Giá trị là văn hóa”. Tại Tân Hiệp Phát, giá trị cốt lõi gồm 5 giá trị: Tinh thần không gì là không thể/Quyền sở hữu không phải để sở hữu cá nhân, mà trân trọng sức lao động/Tính chính trực/Luôn luôn lớn hơn bản thân, làm là để đóng góp cho tổ chức, xã hội/Tất cả mọi người đều mang giá trị gia đình - nếu người khác thành công, đó là niềm vui và hạnh phúc của mình.
Trên thế giới, Heniken, Walmart, Samsung, Oracle… là những công ty gia đình thành công với giá trị doanh nghiệp được định giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD.
Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm Đổi mới cũng đã hình thành nên một lớp công ty gia đình (như Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, Minh Long, DOJI…), nhưng số lượng còn rất mỏng.
Trên hành trình vượt lên chính mình, điểm đáng quý ở Tân Hiệp Phát là người lãnh đạo vừa làm, vừa đào tạo đội ngũ kế cận, vừa chia sẻ cơ hội và kinh nghiệm thực tế bằng những câu chuyện đời, chuyện nghề để khích lệ cộng đồng doanh nghiệp cùng bước lên.