Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý các tội về bảo hiểm xã hội

(ĐTCK) Không hồi tố trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bởi hành vi này vẫn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội đã phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, với 14,8 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (trên 30% người lao động), trên 12,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (26,2% người lao động), đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 84,7 triệu người, tương đương 89,3% dân số. Mỗi năm, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho trên 10 triệu lượt người và trên 700 triệu lượt người hưởng bảo hiểm y tế. Lượng người tham gia thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội trên toàn quốc rất lớn.

Trong quá trình thực hiện chính sách, có một số vấn đề nổi cộm, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, tình trạng trục lợi diễn ra ở nhiều địa phương. Trong 5 năm qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực, nhưng các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Ðến cuối tháng 7/2019, số nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 6.000 tỷ đồng, với số đơn vị nợ đọng khoảng trên 55.000 và đối tượng bị tác động là hàng trăm nghìn người lao động.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh là tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Ðiều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Ðiều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Ðiều 216). Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

“Bảo hiểm Xã hội đã chuyển khoảng 100 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng còn nhiều vướng mắc nên chưa có kết quả. Chỉ có 2 vụ việc đã có kết quả nhưng lại được xử lý dưới các tội danh khác”, ông Ðào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.

Ðể kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, ngày 16/8, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HÐTP hướng dẫn áp dụng Ðiều 214, Ðiều 215, Ðiều 216 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Nghị quyết hướng dẫn cách hiểu thống nhất đối với 15 thuật ngữ trong việc áp dụng các điều luật nói trên như: lập hồ sơ giả, lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm... Một số tình tiết định khung được hướng dẫn cụ thể như: có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; phạm tội 2 lần trở lên; không đóng số tiền đã thu của người lao động...

Theo ông Ðào Việt Ánh, Nghị quyết 05 đã tháo gỡ được các vướng mắc như nhiều tình tiết hành vi vi phạm chưa được hướng dẫn cụ thể, tư cách tham gia quá trình tố tụng của Bảo hiểm xã hội, xử lý như thế nào đối với vi phạm xảy ra trước 0h ngày 1/1/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực), quy trình trình tự thủ tủ hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra.

Nghị quyết 05 xác định tư cách tham gia tố tụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là bị hại.

Ðối với trường hợp vi phạm trước 0h ngày 1/1/2018 thì không xử lý về hình sự, mà có thể xử phạt vi phạm hành chính (nếu chưa hết thời hiệu). Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà trốn tránh thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn và có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Nếu việc trốn đóng gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo pháp luật dân sự.

“Việc Hội đồng thẩm phán tối cao ban hành Nghị quyết 05 hướng dẫn các điều luật này là hết sức cần thiết, vì đây là tội danh mới lần đầu tiên được quy định và có phạm vi ảnh hưởng lớn bởi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chiếm tới 90% dân số, số lượng người thụ hưởng gần gấp 2 dân số”, ông Ánh nói.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục