Tháo gỡ rào cản, khơi dòng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, sở hữu trí tuệ, đầu ra của sản phẩm, hàng hoá, kinh nghiệm quản trị...

Nhận diện các rào cản

Hệ thống chính sách, pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp về cơ bản đã tương đối đầy đủ, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gặp phải một số rào cản trong quá trình huy động, tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và các quỹ đầu tư rủi ro.

Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, khó khăn không phải là công nghệ lạc hậu, trình độ lao động thấp, mà là ở những yêu cầu về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, thông tin về năng lực tài chính, tài sản được dùng để thế chấp vay vốn.

TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp

TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, cá biệt chỉ là một nhóm cá nhân tập hợp để xây dựng ý tưởng sáng tạo. Do vậy, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính đều hạn chế, thiếu hoặc không có tài sản bảo đảm, quyền sở hữu đối với tài sản lại có thể không rõ ràng. Vì vậy, thông thường, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó đáp ứng được các điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Việc tiếp cận vốn lần đầu đã khó, các lần tiếp cận vốn tiếp theo lại thêm phần khó khăn hơn, do khó duy trì tình trạng sử dụng vốn và chứng minh năng lực tài chính cho lần tiếp theo.

Chẳng hạn, về điều kiện phương án sử dụng vốn khả thi, được xác định thông qua công tác thẩm định tính khả thi của phương án sử dụng vốn, thể hiện các nội dung: Tính pháp lý của dự án, phương án; tổng nguồn vốn cần sử dụng, chi tiết các loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cần sử dụng; doanh thu, chi phí, lợi nhuận của phương án sử dụng vốn; nguồn trả nợ của khách hàng: nguồn thu từ phương án, dự án kinh doanh hoặc các nguồn thu hợp pháp khác của khách hàng đảm bảo khả năng trả nợ; thị trường sản phẩm…

Đối với các chủ thể mới gia nhập thị trường, việc phân tích và đánh giá khả năng sử dụng vốn khả thi với những “công thức” cho trước của các tổ chức tín dụng hầu như dẫn đến sự bế tắc về cơ hội vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi tất cả các yếu tố được xem xét đều ở mức độ “khởi đầu”, không dễ dàng cho việc nhận được nguồn vốn.

Hay như trong việc phân tích, đánh giá về khả năng tài chính của khách hàng, người được đánh giá là có khả năng tài chính để trả nợ (trừ khách hàng vay vốn có bảo đảm bằng số dư tiền gửi 100% giá trị nợ cho vay, bao gồm cả gốc và lãi tiền vay) thể hiện qua các tiêu chí cơ bản sau: Kinh doanh có hiệu quả, năm trước liền kề có lãi, trường hợp năm trước liền kề lỗ và/hoặc có lỗ lũy kế thì phải có phương án khắc phục lỗ khả thi và có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn trong thời hạn cam kết.

Đối với pháp nhân mới thành lập, chưa có số liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, đánh giá khả năng tài chính của khách hàng thông qua phần vốn thực góp của các thành viên/cổ đông thể hiện trên cân đối kế toán của doanh nghiệp so với vốn điều lệ đã đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đầu tư.

Nhiều start-up đã trở thành các tập đoàn tỷ đô nhờ tiếp cận được nguồn vốn và hỗ trợ về định hướng, quản trị doanh nghiệp từ sớm.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp thường sử dụng vốn từ tích lũy tự có và/hoặc từ người thân, sau đó tiếp cận nguồn vốn của các quỹ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây thường là những tổ chức, cá nhân chấp nhận rủi ro, yêu thích công nghệ, có thể đầu tư ngay từ giai đoạn xây dựng ý tưởng, tham gia ý kiến, sáng kiến cho hệ sinh thái mà ý tưởng khởi nghiệp hướng tới.

Việt Nam hiện nổi lên như nhóm quốc gia có thị trường đầu tư mạo hiểm hàng đầu châu Á, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào “vườn ươm doanh nghiệp” trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018, quy định chi tiết về tiêu chí và thủ tục xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, phương thức và điều kiện được lựa chọn tham gia đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, với nguồn hạn chế, điều kiện và phương thức tiếp cận vốn phức tạp, được trải rộng trên nhiều địa bàn, nên nguồn hỗ trợ này chỉ dừng lại ở mức độ rất khiêm tốn so với nhu cầu doanh nghiệp.

Cần giải pháp đồng bộ từ nhiều phía

Trước những khó khăn vướng mắc trên, cần có những giải pháp đồng bộ và nhiều bên để khơi dòng vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đầu tiên, về tiếp cận vốn vay, cần tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay trong nước bằng con đường truyền thống là vay vốn của tổ chức tín dụng. Như đã phân tích, với quy định và các điều kiện ràng buộc chặt chẽ “trách nhiệm của người quyết định cho vay” như hiện nay sẽ có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tiếp cận được với vốn tín dụng từ chính các tổ chức tín dụng.

Để giải quyết những vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ điều kiện cấp tín dụng cho nhóm chủ thể mới này. Ngoài ra, cũng cần có quy định ưu đãi hoặc cơ chế tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn để cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp với tỷ trọng lớn. Chỉ có cách thức như vậy, cơ hội có vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp mới có khả năng trở thành hiện thực.

Đối với các tổ chức tín dụng, nên đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm cho vay, tạo điều kiện cho nhóm chủ thể doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn. Chẳng hạn, rút ngắn quy trình cấp tín dụng, phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu cho vay đến giám sát sử dụng vốn thông qua kiểm soát dòng tiền của toàn bộ quá trình (từ khâu thu mua, sơ chế, sản xuất, xuất khẩu và thanh toán…)...

Bên cạnh việc rút gọn quy trình cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng cũng cần sử dụng tối đa thông tin có được về khách hàng vay vốn - doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguồn thông tin tiếp cận quan trọng chính là báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Đây là tài liệu quan trọng để bên cho vay “chấm điểm tín dụng đối với khách hàng”, qua đó có cơ sở cho việc quyết định cho vay.

Ngoài nguồn vốn tín dụng, một nguồn vốn quan trọng khác là từ các quỹ hỗ trợ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp cùng với các bộ, ngành có liên quan để thực hiện cơ chế bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay doanh nghiệp khởi nghiệp; cần nhanh chóng thành lập các quỹ đặc biệt của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp như Quỹ đầu tư tác động, Quỹ sáng kiến trong giai đoạn đầu, Quỹ đầu tư mạo hiểm theo ngành nghề của Nhà nước... Hoạt động của các quỹ này bên cạnh nguồn vốn “mồi” của Nhà nước, cũng có thể áp dụng cơ chế “xã hội hóa” nguồn vốn. Phương thức xã hội hóa có thể cân nhắc thực hiện như gọi vốn cộng đồng, góp vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đặc biệt, cần có quy định pháp lý cụ thể về hoạt động của các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm khác. Theo đó, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về trình tự thủ tục đăng ký kêu gọi vốn tại các quỹ, cũng như giảm thiểu gánh nặng tài chính, miễn thuế trong giai đoạn khởi nghiệp, cung cấp các dịch vụ liên quan đến thủ tục đăng ký vay vốn, cung cấp phần mềm kế toán…

Đồng thời, các bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ đầu tư khởi nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng.

Với Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp, cần cân nhắc nới rộng giới hạn khoản hỗ trợ tài chính, tránh tình trạng “rải mành mành”, mục tiêu đầu tư sẽ không đạt được. Thực tế cho thấy, để nhận được nguồn tài chính trực tiếp từ quỹ đầu tư thường rất khó khăn, vì vậy Nhà nước có thể áp dụng đầu tư công (theo địa chỉ và đơn đặt hàng) để hình thành những vườn ươm khởi nghiệp có quy mô lớn.

Bên cạnh các giải pháp về tiếp cận nguồn vốn, Nhà nước và đặc biệt là bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng tới việc nâng cao năng lực, kỹ năng để có thể tiếp cận nguồn vốn kinh doanh hiệu quả. Chủ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần phải chủ động, tích cực tìm các nguồn huy động vốn, nắm rõ trình tự, thủ tục vay vốn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo việc vay vốn được thành công, trong đó đặc biệt là chất lượng của dự án đầu tư, kinh doanh đang hướng đến. Đồng thời, tăng cường chất lượng quản trị trong hoạt động của doanh nghiệp để bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn vốn vay trên thực tế.

TS. Hồ Quang Huy
Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục