Mục tiêu quan trọng và xuyên suốt của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng là để giám sát và đánh giá sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, đồng thời ngăn ngừa các rủi ro tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ phá vỡ sự ổn định và an toàn của hệ thống.
Trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã không ngừng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra giám sát ngân hàng và từng bước áp dụng các phương pháp thanh tra, giám sát tiên tiến theo thông lệ quốc tế.
Ở các thị trường phát triển như Vương quốc Anh và Hồng Kông, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng dựa trên phương pháp luận hướng tới tương lai và dựa vào rủi ro. Phương pháp luận này giúp cho các cơ quan thanh tra giám sát không chỉ phát hiện những vấn đề mang tính tuân thủ, mà còn có thể chủ động với các tình huống rủi ro.
Ở một thị trường tài chính phát triển lâu đời như Vương Quốc Anh, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng đi theo những chuẩn mực và tập quán tiên tiến của thế giới. Cơ quan Luật lệ An toàn – Prudential Regulation Authority (PRA) trực thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) là cơ quan chịu trách nhiệm về sự an toàn, ổn định và lành mạnh của hệ thống các tổ chức nhận tiền gửi, công ty bảo hiểm và đầu tư. Khái niệm ổn định ở đây không có nghĩa là PRA không để cho công ty nào sụp đổ, mà mục tiêu của PRA là bảo đảm các vụ sụp đổ không làm gián đoạn đáng kể đến hệ thống cung cấp các dịch vụ tài chính quan trọng.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam
Phương pháp tiếp cận của PRA là hướng về tương lai. Điều này thể hiện ở việc PRA không chỉ đánh giá mức độ an toàn của một tổ chức dựa vào các yếu tố rủi ro hiện hữu, mà thay vào đó luôn chủ động lường trước các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai để có hành động phòng ngừa sớm. PRA cũng áp dụng một khuôn khổ can thiệp chủ động mà trong đó, một số công ty có tình trạng gần sụp đổ được đánh giá, phân loại để có những hành động kịp thời. Các công ty cũng luôn phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu khi hoạt động trong lĩnh vực đã đăng ký.
Phù hợp với xu hướng và thực tiễn của hệ thống tài chính toàn cầu, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng ở Hồng Kông cũng theo đuổi phương pháp luận nhìn về tương lai, đặc biệt chú trọng phương pháp thanh tra dựa vào rủi ro. Điều này cho phép cơ quan thanh tra của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) giám sát tập trung sâu vào những lĩnh vực rủi ro cao đối với một ngân hàng hoặc tổ chức nhận tiền gửi. Đồng thời, nó cũng cho phép HKMA có thể chủ động và dự liệu trước những mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Phương pháp dựa vào rủi ro được kết hợp chặt chẽ với hệ thống đánh giá CAMELS truyền thống, theo đó, tình trạng của một ngân hàng được đánh giá trên các khía cạnh về vốn, tài sản, quản lý, thu nhập, thanh khoản và mức độ nhạy cảm với rủi ro. Phương pháp dựa vào rủi ro bổ sung phân tích về hiện trạng rủi ro và hoạt động quản lý rủi ro tại một ngân hàng vào hệ thống đánh giá CAMELS. Mỗi một khía cạnh đánh giá của CAMELS đều được xem xét dưới tác động của một trong 8 loại rủi ro (tín dụng, thị trường, lãi suất, thanh khoản, hoạt động, pháp lý, uy tín và chiến lược). Do đó, các mức đánh giá theo CAMELS có thể được thay đổi do kết quả của những phân tích, đánh giá định tính liên quan đến các yếu tố rủi ro.
Để làm được điều này, HKMA thực hiện quy trình thanh tra giám sát gồm 6 bước: (i) tìm hiểu về tổ chức là đối tượng thanh tra, giám sát; (ii) đánh giá các yếu tố rủi ro; (iii) lập kế hoạch thanh tra; (iv) xác định các hoạt động thanh tra cụ thể; (v) thanh kiểm tra tại chỗ dựa vào rủi ro và đánh giá CAMELS; (vi) tiếp tục công tác giám sát từ xa.
Tại Việt Nam, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng cũng đã từng bước áp dụng các tiêu chuẩn và phương pháp theo thông lệ quốc tế. Hoạt động thanh tra giám sát cũng không ngoài mục tiêu bảo đảm sự phát triển an toàn và lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng sử dụng dịch vụ.
Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề nổi cộm trong ngành ngân hàng, chỉ ra những yếu kém cần khắc phục, và đã thành công trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo định hướng của Chính phủ.
Về trọng tâm của công tác thanh tra, giám sát, Điều 55 của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 nêu rõ, nội dung thanh tra không những bao gồm thanh tra chấp hành pháp luật về tiền tệ ngân hàng, mà còn bao gồm xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro. Điều này cho thấy phương pháp luận về thanh tra dựa vào rủi ro đã được luật hóa như một định hướng xuyên suốt cho công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
Để phát huy hiệu quả thực sự của thanh tra dựa vào rủi ro, NHNN đã có những đề án và chương trình cụ thể để các tổ chức tín dụng của Việt Nam quản trị rủi ro tuân thủ theo các yêu cầu của Basel II.
NHNN cũng đã có định hướng đến năm 2020, hoạt động thanh tra, giám sát dựa vào rủi ro phải được triển khai trên toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng và áp dụng thống nhất trong toàn ngành thanh tra ngân hàng. Các tổ chức tín dụng phải có khả năng quản trị toàn diện, có đủ nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu quản trị rủi ro và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thanh tra giám sát dựa vào rủi ro.
Với những định hướng nêu trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ hướng tới từng bước được cải thiện, lành mạnh hóa, đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam và các yêu cầu hội nhập trong những năm tới.