Thanh tra Chính phủ: Giao dịch với nước ngoài từ 20 triệu đồng trở lên phải qua tài khoản

(ĐTCK) Trong buổi họp báo sáng 22/7, Thanh tra Chính phủ đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến cấp phép dự án vượt thẩm quyền, nguy cơ chuyển dịch tài sản ra nước ngoài.
Thanh tra Chính phủ: Giao dịch với nước ngoài từ 20 triệu đồng trở lên phải qua tài khoản

Trước vụ việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu Quốc hội do mang hai quốc tịch và sự quan ngại về tình trạng tẩu tán tài sản ra nước ngoài, theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, việc quản lý chi tiêu, quản lý giao dịch với nước ngoài và chuyển dịch tài sản đang được cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, tìm kiếm đề xuất các biện pháp, phương tiện quản lý.

Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ đề xuất những cơ chế để phòng ngừa trong Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi. Một trong những biện pháp đang được đặt ra là tiến tới tăng cường kiểm soát các giao dịch thông qua tài khoản, các giao dịch có liên quan tới các yếu tố nước ngoài.

“Muốn vậy, trước hết phải hạn chế được việc tiêu dùng tiền mặt. Đề xuất rất mới của chúng tôi là tới đây các giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện thông qua các tài khoản”, ông Ngô Mạnh Hùng nói.

Về những vụ việc như người Việt có tên trong hồ sơ Panama, ông Hùng cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền, phối hợp với các ngân hàng để phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.

Liên quan tới dự án Formosa Hà Tĩnh, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết: Đúng là trước đây Thanh tra Chính phủ có thanh tra và đề cập đến việc cấp phép dự án này. Nhưng ở đây cần phân biệt giữa Formosa với cuộc thanh tra này. Nội dung cuộc thanh tra là chấp hành pháp luật về đầu tư cơ bản và quản lý sử dụng đất đai với một số dự án trên địa bàn Hà Tĩnh. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra tại Hà Tĩnh năm 2012, sau đó kết luận thanh tra số 1538 ngày 3/7/2014 đã được công khai.

“Cuộc thanh tra này tiến hành trong thời gian dài và tương đối rộng, nên không thể đi sâu vào từng dự án như thanh tra 1 dự án đầu tư. Formosa là 1 trong số dự án được Thanh tra Chính phủ xem xét ở một số việc cụ thể trong cuộc thanh tra chung này”,  ông Ngô Văn Khánh nói và cho biết, hiện Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có liên quan đang chỉ đạo rất ráo riết và nghiêm túc thực hiện rất nhiều việc để khắc phục sự cố môi trường do Formosa gây ra. Đồng thời cũng là xem xét lại cơ chế chính sách chung cho môi trường cả nước.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ được chỉ đạo một số việc cụ thể, có trách nhiệm trong phần việc được giao cùng các Bộ có liên quan để phối hợp thực hiện chủ trương, giải pháp các vấn đề cụ thể mà Chính phủ giao.

Về việc vi phạm trong cấp phép dự án Formosa lên tới 70 năm được nêu trong kết luận thanh tra, ông Ngô Văn Khánh cho biết: “Sau này, theo Luật Đầu tư 2014, những trường hợp như Formosa mặc nhiên là 70 năm. Nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ vẫn nêu thời điểm đó Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng quy định pháp luật”.

Đối với trách nhiệm sai phạm, ông Ngô Văn Khánh thông tin: “Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, chúng tôi không chỉ ra từng cá nhân, mà gắn với cấp có thẩm quyền, ban quản lý (Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng - nay là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh - đã cấp phép đầu tư cho dự án Formosa - PV) phải xem xét xử lý kiểm điểm. Đương nhiên gắn với tên tuổi thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”.

Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã thành lập tổ tiến hành kiểm tra việc thực hiện, xử lý các nội dung trong kết luận thanh tra. Hiện nay, tổ kiểm tra mới kết thúc, đang chờ làm việc lại với Hà Tĩnh để thông báo kết luận đó.

“Chúng tôi đánh giá bước đầu Hà Tĩnh chưa nghiêm túc. Tôi tạm dùng từ đó và tất nhiên phải đối chiếu với việc đó. Trách nhiệm đó của những ai thì sẽ gắn với từng việc, từng người có trách nhiệm”, ông Ngô Văn Khánh nói.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục