Thanh toán qua internet tăng 64%, qua điện thoại di động tăng trên 200%

(ĐTCK) Theo NHNN, đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Thanh toán qua di động tăng mạnh
Tại buổi công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 (16/6/2019 - 16/6/2020) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra chiều ngày 26/5, NHNN cho biết, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đánh dấu bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của hoạt động thanh toán cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Các chỉ số thanh toán không tiền mặt tăng trưởng ấn tượng; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường. 
Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử được đầu tư, nâng cấp (đến nay có khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) cho hay, đến tháng 5/2020 có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, tiếp tục phát huy vai trò là Hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc.
Vì vậy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet.
Theo NHNN, đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo NHNN, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.
Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42% trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.
Đến cuối năm 2019, đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Có 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21 % so với 3 tháng đầu năm 2019.
Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.  
Giảm hơn 1.000 tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán vì Covid-19
Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt; đặc biệt giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.
Triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.
Cụ thể, NHNN đã có 2 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các ngân hàng giảm các loại phí dịch vụ thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến.
Đến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí.
Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng). 
NHNN cũng ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ 1/4 -31/12/2020.
Trước làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, NHNN xác định tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.
Đồng thời, để TTKTDM ngày càng lan tỏa trong xã hội, công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, phổ biến kiến thức về các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, kỹ năng thực hiện giao dịch thanh toán có vai trò quan trọng. 
Bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, ngày không tiền mặt là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án nói trên và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Một trong những mục tiêu đó là nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho công chúng. Do đó, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng.

Thùy Vinh - Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục