Thanh toán online tăng mạnh
Từng giữ thói quen đi chợ truyền thống, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, song từ khi dịch bệnh xảy ra, chị Nguyễn Thu Hà, Kế toán trưởng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nhất Nam chuyển hẳn sang mua hàng online tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chọn hình thức giao hàng tại nhà và thanh toán online qua ví điện tử, chuyển khoản, hầu như không tiếp xúc với người bán hàng, thậm chí cả người giao hàng.
Nỗi lo tiếp xúc nơi đông người và việc sợ lây nhiễm bệnh khi giao dịch tiền mặt đang khiến người dân thay đổi thói quen. Nghiên cứu mới đây của Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel cho thấy, dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ tới hành vi tiêu dùng của người dân. 50% số người được hỏi cho biết, họ đã giảm tần suất tới siêu thị, tạp hoá, hơn 60% người giảm đi chợ truyền thống, 25% người cho biết tăng cường mua sắm online và giảm tần suất mua sắm trực tiếp.
Nhiều đơn vị bán lẻ như VinMart, Sói Biển… cho hay, lượng giao dịch trực tuyến trong đợt dịch này đã tăng gấp 3 - 5 lần so với bình thường. Cùng với lượng đơn hàng giao dịch trực tuyến, các hình thức thanh toán online bằng QR Code, ví điện tử, chuyển khoản… cũng tăng mạnh.
Theo số liệu từ các ngân hàng thương mại, giao dịch kênh online đã tăng gấp 3 - 4 lần so với trước Tết. Kết thúc quý I/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa của VPBank đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ
Đại diện VNPAY-QR cho hay, hiện chưa cập nhật số liệu giao dịch tháng 3/2020, song riêng tháng 2/2020, tăng trưởng giao dịch bằng QR Code tăng tới 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo cho biết, thanh toán qua ví điện tử này tăng gấp đôi từ sau Tết.
Mặc dù vậy, không phải ví điện tử nào cũng tận dụng tốt cơ hội trong mùa dịch. Đại diện một ví điện tử gắn liền với một nền tảng thương mại trực tuyến cho biết: “Dù nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh, nhưng chỉ tập trung vào hàng thiết yếu, còn sức mua các mặt hàng khác sụt giảm mạnh. Chúng tôi có hàng ngàn đối tác, thì hơn 70% đối tác sụt giảm doanh thu, khiến doanh thu của chúng tôi cũng sụt giảm theo”.
Tận dụng sức mạnh của nền kinh tế số
Không chỉ Việt Nam, mà tại nhiều nước trên thế giới, nỗi sợ tiền mặt có thể là tác nhân lây lan bệnh đang thay đổi thói quen người tiêu dùng. Tại Anh, việc sử dụng tiền xu để thanh toán giảm tới 50%.
Tại Thụy Sỹ, theo số liệu của Tập đoàn tài chính deVere Group, số khách hàng sử dụng các fintech của tập đoàn này tăng tới 72%. Dĩ nhiên, các con số trên chưa phản ánh hết thực tế, song phần nào cho thấy, dịch bệnh là cơ hội để kinh tế số, trong đó có thanh toán số phát triển.
Theo các chuyên gia ngân hàng, dù thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, song với tình hình hiện tại, Covid-19 chưa đủ để thanh toán điện tử ở nước ta bùng nổ. Đó là do phạm vi phủ sóng các ngân hàng còn hạn chế. Các ví điện tử linh hoạt hơn, nhưng lại hoạt động khá rời rạc, chưa gắn với một hệ sinh thái đầy đủ.
Hơn nữa, tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng còn thấp và tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Ở khu vực nông thôn, nơi tập trung tới 70% dân số, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng rất thấp, trong khi theo quy định hiện hành, chủ tài khoản ví phải liên kết với tài khoản ngân hàng.
Để thay đổi thói quen người dùng, tận dụng được cơ hội của dịch bệnh và cơ hội của nền kinh tế số, theo các chuyên gia, cần có thêm nhân tố mới tham gia thị trường và một trong những nhân tố được kỳ vọng là Mobile Money. Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Mobile Money có rất nhiều lợi ích như thuận tiện, phí giao dịch thấp, thúc đẩy tài chính toán diện… Phát triển Mobile Money sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng, với lượng khách hàng lớn và tính tiện lợi, ngay khi được cấp phép, thanh toán qua Mobile Money sẽ phát triển rất nhanh, kéo theo sự phát triển của cả ngành thanh toán điện tử.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất để thanh toán trực tuyến bùng nổ ở nước ta là hành lang pháp lý. Đây cũng là lý do khiến Chính phủ nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Mobile Money cũng như Sandbox để thúc đẩy kinh tế số.
Cần một hành lang pháp lý thuận lợi
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố gần đây, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng, Việt Nam tăng trưởng tốt về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, song vẫn còn có một số yếu tố kìm hãm sự phát triển. Cụ thể, khung pháp lý hiện hành không theo kịp sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ fintech. Do đó, ADB khuyến nghị, một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng.