Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Băn khoăn giữa phát triển và bảo tồn
Phát biểu tại phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, tuy nhiên lưu ý phải giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tạo đột phá để phát triển và lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hoá bởi Huế có tới 8 di sản được UNESCO công nhận.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, nếu theo quy định chung phổ biến xem xét các tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương, có thể Huế hãy còn “non” một chút. Tuy nhiên, theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định của pháp luật hiện hành sửa đổi với các tiêu chí có yếu tố đặc thù thì Huế đủ điều kiện.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 8 di sản được UNESCO công nhận; do đó cũng cần phải có một nguồn lực, một vị thế để duy trì, bảo tồn.
“Với những đặc thù, lợi thế như thế, hy vọng khi là thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ được tạo thêm cơ hội, điều kiện thuận lợi để có thể bứt phá; thậm chí khi đi sau thì có nhiều lợi thế, rút kinh nghiệm, có khi Huế còn vượt được cả các thành phố trung ương khác”, đại biểu Nhung nói.
|
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, đoàn Quảng Ninh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Đánh giá việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là tầm nhìn rất chính xác, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, điều quan trọng là có giải pháp thế nào để cho các thành phố này có cơ hội phát triển, bứt phá.
"Chúng ta cũng cần phải có tổng kết đối với việc các thành phố trực thuộc Trung ương, mới đây nhất như thành phố Cần Thơ là khi trực thuộc, thì cơ hội và tốc độ phát triển của các địa phương này như thế nào?", bà Hà đề xuất.
Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn là làm sao hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Bởi Huế có 8 di sản được UNESCO công nhận.
“Tôi rất lo lắng là nếu phát triển nhanh quá, với tốc độ mạnh quá thì liệu có làm mất đi những nét đẹp của cố đô, nét đẹp của truyền thống văn hóa hay không? Tuy nhiên, nếu không có phát triển thì với mức thu nhập người dân hiện nay đã đáp ứng được hay chưa? Chúng tôi nghĩ rằng là giữa bảo tồn và phát triển đối với thành phố Huế trong tương lai cần phải được quan tâm tích cực và có những cái giải pháp chủ động”, đại biểu Hà nói.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) phát biểu tại tổ sáng 31/10 |
Cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Lê Minh Nam, đoàn Hậu Giang đánh giá, Đề án chưa thể hiện rõ nội dung này, còn chung chung.
Theo vị đại biểu, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương nhưng theo các tiêu chí đặc thù, trọng tâm là tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.
"Do đó, dù quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng cần phải quan tâm đến những đặc trưng, đặc thù của Huế để có sự quan tâm, bố trí nguồn lực cũng như trong kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, ông Nam đề xuất.
|
Đại biểu Lê Minh Nam, đoàn Hậu Giang phát biểu tại tổ sáng 31/10 |
Đặc biệt, Đề án nêu vấn đề hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa tại Huế. Theo đại biểu Lê Minh Nam, khi đã hình thành công nghiệp văn hóa thì sẽ gắn với những yếu tố mang tính chất hiện đại, những đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển các vấn đề về kinh tế văn hóa.
Tuy vậy, đại biểu cho rằng, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế văn hóa vẫn phải giữ được nền tảng gốc là văn hóa đặc sắc và di sản của Huế, nhất là 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận phải được bảo tồn, thậm chí nếu có thể thúc đẩy thêm được việc công nhận các di sản khác để tạo nên một Huế rất đặc trưng, đặc biệt. Khu vực Đông Nam Á có lẽ cũng chỉ có duy nhất Huế có tới 8 di sản được UNESCO công nhận.
Phải lên trung ương thì mới có cơ hội tăng tốc phát triển để bứt phá
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) cho hay, Thừa Thiên Huế là tỉnh dày đặc các di tích lịch sử và di sản thiên nhiên. Khi Huế trực thuộc Trung ương thì sẽ hướng tới thành phố di sản, tức là phát triển dựa trên văn hóa.
Mục tiêu chủ yếu là vấn đề bảo tồn, khơi dậy, phát huy để hoán chuyển các giá trị văn hóa cho sự phát triển. Đây sẽ là một mô hình để chúng ta phát triển rất nhiều địa phương khác cũng có những điều kiện tương tự chẳng hạn như Ninh Bình có cố đô Hoa Lư…
|
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) tại phiên họp tổ ngày 31/10 |
Theo đại biểu, khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì mới có những đầu tư bứt phá được, để Huế trở thành một điểm nhấn văn hóa sinh thái, một nơi rất đáng sống, rất đáng đến cho thế giới, hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch.
“Chứ còn như hiện nay, các hệ thống khách sạn, các hệ thống dịch vụ còn kém. Thành phố có tới 8 di sản văn hoá mà 9h tối đã đi ngủ thì phát triển thế nào?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Ông Thắng quan điểm, cần có định hướng để phát triển đa dạng và có chất lượng cao đối với các sản phẩm liên quan đến văn hóa, du lịch; nếu không, chỉ một lần đến thăm các di tích là khách du lịch sẽ chán.
"Chẳng hạn, đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, phát triển kinh tế âm nhạc, điện ảnh... Đây là điều có lẽ cần phải thảo luận sâu thêm để giúp cho Huế", vị đại biểu nói.
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Theo Đề án do Chính phủ trình, sẽ cơ cấu lại Thành phố Huế hiện tại (trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) để thành lập hai quận Thuận Hóa và quận Phú Xuân. Đồng thời, thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở huyện Phong Điền và tách nhập một số thị trấn, thị xã. Như vậy, tổng cộng sẽ liên quan đến 4/9 đơn vị cấp huyện phải tiến hành sắp xếp, 21/141 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại. Sau khi sắp xếp lại, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện với 133 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn). So với hiện hành thì giảm được 8 đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc:
Một là, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương với đặc trưng: Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.
Hai là, khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Ba là, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, sau 20 năm, Quốc hội mới xem xét việc thành lập một thành phố trực thuộc Trung ương. Đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 trong cả nước nếu được Quốc hội thông qua.