Là một trong số ít công ty chứng khoán tiên phong phát triển sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), ông có thể chia sẻ, MBS sắp tới sẽ phát triển sản phẩm CW mới nào? Theo ông, hiện tượng CW tăng/giảm giá mạnh trong tháng giao dịch đầu tiên liệu có kéo dài?
Liên quan đến sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, MBS chủ trương sẽ phát hành đa dạng. Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ phát hành thêm 3 mã CW (dựa trên các mã chứng khoán cơ sở MWG, FPT, REE) nâng tổng số phát hành lên 5 mã, qua đó nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Ông Trần Hải Hà
Thực tế, CW là một sản phẩm mới, bước khởi đầu như vậy được xem là thành công đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. CW hấp dẫn nhờ có thị giá giao dịch nhỏ và đòn bẩy ngầm cao so với chứng khoán cơ sở, do đó việc tăng/giảm mạnh của CW là bản chất tự nhiên của sản phẩm này. Sau khi chào sàn, giá CW tăng mạnh trong thời gian đầu tỏ nhà đầu tư rất kỳ vọng vào sản phẩm mới này, còn việc có kéo dài hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường chứng khoán cơ sở và tính hấp dẫn của từng mã CW mà 12345 phát hành.
Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cho dấu mốc thị trường 20 tuổi, một trong số đó là vốn hóa thị trường lên 100% GDP vào năm 2020. Là công ty chứng khoán tư vấn cho nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, niêm yết, theo ông, mục tiêu tăng quy mô thị trường như trên có khả thi không và nhà đầu tư có thể trông đợi những doanh nghiệp lớn nào sẽ lên sàn tới đây?
Tôi cho rằng, mục tiêu vốn hóa lên 100% GDP vào năm 2020 là khả thi. Theo thống kê của MBS, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) 23,3%. Cuối năm 2018, tổng quy mô vốn hóa tại 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đã ở mức 4.001.416 tỷ đồng, tương đương 72,3% GDP. Nếu như Chính phủ quyết tâm thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 đúng như kế hoạch, đây sẽ là chất xúc tác quan trọng cho mục tiêu tăng quy mô vốn hóa như mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm Việt Nam 2020, hướng đến 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm nay.
Về phía nhà đầu tư, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là cơ hội rất đáng quan tâm, bởi đây là loại chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Sắp tới, theo kế hoạch, thì danh sách Nhà nước sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn có rất nhiều doanh nghiệp tiềm năng và có quy mô vốn hóa rất lớn như Agribank, MobiFone, EVNGenco 1-2, Satra…
Liên quan đến nhà đầu tư, tại MBS, lượng tài khoản mới mở tăng trưởng như thế nào? Có thời kỳ thị trường chứng khoán thu hút cả những người không hiểu chứng khoán đến mở tài khoản, còn hiện nay thì sao, thưa ông?
Tại MBS, lượng tài khoản mở mới không ngừng gia tăng, với mức tăng trưởng xấp xỉ 20% mỗi năm. Do thị trường luôn luôn tiến hóa, nên nhà đầu tư cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Với những nhà đầu tư mới tham gia tại MBS, họ nhận được sự tư vấn từ đội ngũ môi giới chuyên nghiệp và chất lượng. Vì vậy, theo thời gian, tỷ trọng nhà đầu tư không hiểu biết chứng khoán sẽ ngày càng ít đi và sân chơi chứng khoán sẽ thực sự là một cuộc đấu trí của những thành viên có hiểu biết, có khả năng dự báo sớm câu chuyện thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường cổ phiếu đối diện với tình trạng thanh khoản suy giảm mạnh. Ông nhận định như thế nào về tình trạng này?
Thị trường có thanh khoản giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó theo tôi có một phần do sự bất ổn từ kinh tế thế giới. Không riêng gì Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới về điểm số nhưng thanh khoản cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, địa chính trị biến động khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy yếu.
Ngoài ra, trong thời gian qua, thị trường Việt Nam chưa có hàng hóa mới từ các thương vụ IPO, thoái vốn lớn để thu hút thêm dòng vốn mới, do đó dòng vốn lớn có dấu hiệu giảm nhiệt.
Để thị trường sôi động hơn, thanh khoản hơn, giải pháp là gì, theo ông?
Để tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán, tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh hoạt động IPO và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt. Thị trường có thêm hàng hóa mới và dòng vốn mới chắc chắn quy mô và thanh khoản sẽ tăng lên. Ngoài ra, trong tương lai gần, nếu hoạt động giao dịch trong ngày (Day-Trading) được áp dụng thì thanh khoản sẽ tăng rất mạnh.
Kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của MBS ra sao? Theo ông, 6 tháng cuối năm nay và xa hơn, năm 2020, thị trường chứng khoáncó triển vọng như thế nào? MBS có giải pháp gì để thực thi kế hoạch tăng trưởng mạnh mà Công ty đặt ra cho năm nay?
6 tháng đầu năm 2019, MBS đạt doanh thu 445 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 158,8 tỷ đồng, hoàn thành 44,1% kế hoạch cả năm, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới bước sang tuổi 20 năm nhưng đã phát triển rất nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, với tầm nhìn dài hạn, tôi thấy tiềm năng thị trường còn rất lớn.
Trong 6 tháng cuối năm, MBS sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ hỗ trợ cho nhà đầu tư, đẩy mạnh hoạt động môi giới, tư vấn, kinh doanh trái phiếu và sản phẩm chứng quyền nhằm hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh năm 2019 mà Công ty đã đặt ra.