Thanh khoản đã sẵn sàng cho năm 2025

(ĐTCK) Những động thái hiện tại của các ngân hàng được thị trường nhận định, cơ bản nhằm thúc đẩy huy động, sẵn sàng nguồn vốn để đẩy mạnh cho vay ngay từ tháng 1/2025.
Nhiều ngân hàng được cấp thêm room tín dụng.

Ngân hàng “thủ thế” thanh khoản?

Ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuyển giao, OceanBank liên tiếp tung ra nhiều chương trình huy động đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 4/11/2024 đến ngày 28/2/2025.

Theo đó, trong ngày 12/12/2024 vừa qua, khách hàng gửi tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên, mức lãi suất được áp dụng là 6,2%năm với kỳ hạn 12-13 tháng; 5,9%/năm với kỳ hạn 9-11 tháng; 5,8%/năm với kỳ hạn 6-8 tháng; 4,7%/năm với kỳ hạn 3-5 tháng: và 4,5%/năm với kỳ hạn 1 tháng.

Với chương trình “Gửi tiền liền tay - Nhân đôi tài lộc”, từ ngày 4/11 đến 31/12/2024, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch OceanBank từ 100 triệu đồng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được tặng ngay quà tiền mặt cùng nhiều ưu đãi khác.

Đáng chú ý, từ ngày 2/12/2024, OceanBank triển khai chương trình huy động tiết kiệm nhân dịp Xuân Đinh Tỵ 2025, trở thành ngân hàng tung chương trình Tết sớm nhất thị trường.

Khách hàng tham gia gửi tiết kiệm trong chương trình “Chào xuân rộn ràng - Tưng bừng lãi suất” với các kỳ hạn dưới 12 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi như sau: 1 tháng là 4,3%/năm; 3 tháng là 4,6%/năm; 6 tháng là 5,5%/năm và 12 tháng là 5,8%/năm. Khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, khách hàng đồng thời được hưởng trọn vẹn chương trình khuyến mại “Gửi tiền liền tay - Nhân đôi tài lộc”…

Cuối tuần qua, CB cũng chính thức công bố tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 4,15%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,85%/năm, 7-11 tháng là 5,8%/năm. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi cao nhất của CB hiện chạm mốc 6%/năm, niêm yết ở kỳ hạn gửi tiền từ 12 tháng trở lên.

CB đã chính thức đưa lãi suất huy động lên ngưỡng 6%/năm trở lên cho các kỳ hạn dài, cùng với các ngân hàng khác như BaoViet Bank, ABBank, BVBank, Dong A Bank, GPBank, HDBank, IVB, MSB, OceanBank, Saigonbank, SHB và Viet A Bank.

Đây là lần đầu tiên trong tháng 12, CB tăng lãi suất huy động, nhưng là lần thứ 2 điều chỉnh sau khi được chuyển giao bắt buộc về Vietcombank ngày 17/10/2024.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, có 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 12/2024 gồm CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB. Trong đó, ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất 2 lần trong tháng.

Tin tốt

Số liệu tại thời điểm cuối tháng 9/2024 cho thấy, huy động từ khách hàng tăng 4,79% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng 8,53%.

Thông thường, tín dụng tăng tốc vào các tháng cuối năm, áp lực tỷ giá gia tăng khiến NHNN điều tiết cung tiền thận trọng hơn, cũng như nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước hạn chế tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Trong khi đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tăng ở nhóm ngân hàng nhỏ khi nhóm này gia tăng sử dụng vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) tăng ở hầu hết các ngân hàng do tối ưu hóa việc sử dụng vốn để cải thiện biên lãi ròng (NIM).

Diễn biến trên thị trường được nhà điều hành nắm bắt và đã có những động thái rõ ràng. Tính đến giữa tháng 11/2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã nhích lên 4,82%/năm, tăng 0,01 điểm phần trăm so với cuối tháng 10 (so với giảm 0,01 điểm phần trăm trong tháng 10 và giữ nguyên trong tháng 9) và giảm 0,12 điểm phần trăm kể từ đầu năm.

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đạt 10,08% đến đầu tháng 11/2024 phản ánh nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng về cuối năm. NHNN đã tăng cường bơm thanh khoản qua kênh OMO để ứng phó với môi trường thanh khoản thắt chặt, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vọt lên 5,8%/năm vào ngày 15/11 (tăng 1,3 điểm phần trăm chỉ trong 1 tuần).

NHNN đã bơm 115.000 tỷ đồng (4,5 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất ở mức 4%/năm. Ngoài ra, NHNN tiếp tục đấu thầu tín phiếu định kỳ ở quy mô nhỏ hơn, kỳ hạn 28 ngày và lãi suất trúng thầu dao động trong khoảng 3,9-4%/năm. Kể từ đầu năm đến giữa tháng 11, NHNN đã bơm ròng 48.300 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) vào hệ thống thông qua kênh OMO.

“Do Kho bạc Nhà nước rút tiền để trả nợ và việc NHNN phát hành tín phiếu vào cuối tháng 10 để giảm bớt áp lực tỷ giá, sự căng thẳng về thanh khoản của hệ thống hiện tại là điều dễ hiểu. Mặc dù NHNN chủ động bơm tiền để giảm thiểu áp lực thanh khoản và đảm bảo sự ổn định trong hệ thống, bên cạnh đó, một tin tốt là 41.000 tỷ đồng tín phiếu sẽ đáo hạn trong tuần đến hết ngày 22/11, điều này có thể giúp giảm bớt phần nào tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống”, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay.

Sẵn sàng nguồn vốn mới

Cuối tuần qua, Nam A Bank cho biết đã được NHNN nâng hạn mức tín dụng lên 18,4%. Trước đó, trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) ước tính, có 5 ngân hàng được nới room tín dụng trong lần cấp tín dụng lần thứ hai của NHNN trong ngày 28/11/2024.

Cụ thể, VietinBank từ 14% lên 16%; ACB từ 18,4% lên 20,69%; VIB từ 18,4% lên 21,6%; Techcombank từ 18,5% lên 20% và MSB từ 16,3% lên 18,27%.

“Việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh khi nhu cầu tín dụng thường cao hơn ở thời điểm cuối năm”, chuyên gia phân tích của SHS cho biết.

Cũng theo SHS, nhóm ngân hàng tư nhân, đặc biệt là nhóm cho vay doanh nghiệp, có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn như Techcombank, HDBank hay LPBank đều đã vượt hạn mức năm và đã được nới room tín dụng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp PGBank cho hay, xu hướng tăng trưởng tín dụng tốt hơn nên tất cả các ngân hàng đều cần bổ sung thêm nguồn vốn. Một số ngân hàng đẩy lãi suất lên rất cao cũng có thể cho biết “dấu hiệu” thanh khoản có khó khăn nhất định.

“Thanh khoản cuối năm không căng thẳng. Những động thái hiện của các ngân hàng cơ bản là thúc đẩy huy động sớm để ngay từ tháng 1/2025 sẽ đẩy mạnh tín dụng. Hay nói cách khác, chuẩn bị nguồn vốn mới để đẩy mạnh luôn tín dụng ngay từ đầu năm 2025”, một lãnh đạo OceanBank nhấn mạnh.

Dự báo về tốc độ tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia phân tích cho rằng, mục tiêu 15% trong năm 2024 có thể đạt được với kỳ vọng các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân trong quý cuối năm này, nhất là các ngân hàng tư nhân năng động có quy mô trung bình - nhỏ còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo tiếp tục duy trì mức 14-15% trong năm 2025 với động lực tăng trưởng tín dụng đến từ những yếu tố sau: Mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, trong khi cho vay mua nhà cũng có dấu hiệu hồi phục khả quan; tín dụng bán buôn duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục, kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng...

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục