Thanh khoản chứng khoán: Nhìn từ sàn giao dịch vàng

(ĐTCK) Ngày 2/3, trong vòng chưa đầy 5 giờ đồng hồ, một NĐT giao dịch trên sàn vàng tại TP. HCM đã đặt tổng cộng trên 140 lệnh mua bán. Hình ảnh này cho thấy, tính thanh khoản trên sàn vàng rất cao. Thực tế, giá trị giao dịch mỗi ngày trên sàn vàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng, như sàn vàng ACB có giá trị giao dịch trung bình trên 5.000 tỷ đồng/ngày, sàn vàng VGB trung bình 4.000 tỷ đồng/ngày, thu hút một lượng lớn NĐT tham gia. Đây quả là điều "mơ ước" đối với chứng khoán hiện nay.
TTCK có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế vận hành linh hoạt của sàn vàng. TTCK có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế vận hành linh hoạt của sàn vàng.

Sàn vàng sôi động và thanh khoản lớn là do thị trường này đang "dậy sóng" trước cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ngoài yếu tố khách quan này phải kể đến cơ chế vận hành linh hoạt của sàn vàng mà TTCK cũng có thể nghiên cứu áp dụng.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của sàn vàng đó là thời gian thanh toán T+0 bên cạnh các sản phẩm giao dịch tương lai. NĐT bán vàng thì có tiền và mua vàng thì có vàng ngay sau thời điểm mua. Ngay sau khi bán vàng (cắt lỗ hoặc chốt lời) mà thị trường xuất hiện cơ hội đầu tư thì NĐT đã có tiền trong tài khoản để mua vào. NĐT có thể thực hiện một số lượng lớn giao dịch với cùng một lượng vốn trong thời gian ngắn chính là ưu điểm vượt trội so với cách thức giao dịch chứng khoán T+3 (thực chất là T+ 4) hiện nay.

Luật chơi thứ hai khiến sàn vàng sôi động chính là việc cho mua bán khống. NĐT không chỉ được vay tiền để đầu tư vàng khi dự đoán giá vàng có xu hướng lên, mà có thể vay vàng để bán, sau đó chờ giá vàng xuống thấp hơn thì mua lại để trả cho sàn vàng khi dự đoán xu hướng giá vàng đi xuống. Như vậy, cho dù giá vàng lên hay xuống, NĐT đều có cơ hội kiếm lời khiến họ tích cực giao dịch. Đối với chứng khoán hiện nay, NĐT chỉ có "một cửa" là mua vào, đợi thị trường lên thì bán ra để thu lời. Trong bối cảnh TTCK ảm đạm như hiện nay, nhiều NĐT ngừng giao dịch trong thời gian dài, mặc dù trong tài khoản vẫn còn chứng khoán hoặc tiền. Một số trường hợp đã ủy quyền cho CTCK sử dụng chứng khoán trong tài khoản đó (để hưởng phí) và CTCK đã thực hiện đầu tư giá xuống để thu lợi. Nghĩa là CTCK phán đoán thị trường xuống nên bán ra, sau đó mua lại trả vào tài khoản. Trước đây, dư luận từng lên tiếng về việc CTCK chiếm dụng tài khoản của NĐT để kiếm lợi theo kiểu này. Với thực tế hiện nay, bán khống là một nhu cầu có thực và đây đó "biến tướng" kiểu này, kiểu khác. Nên chăng, cơ quan quản lý cho phép thực hiện một cách chính thức với những quy định chặt chẽ.

Về việc vay tiền để đầu tư vàng, NĐT có 1 đồng có thể được đầu tư đến 14 đồng. Cơ chế này vận hành dựa vào nguyên tắc cảnh báo và xử lý tỷ lệ ký quỹ. NĐT ký quỹ 7% vốn và vay 93% từ ngân hàng hợp tác với sàn vàng để đầu tư. Nếu giá vàng biến động khiến tỷ lệ ký quỹ 7% của NĐT bị giảm xuống 5% thì sàn vàng sẽ cảnh báo NĐT hãy nộp thêm tiền vào tài khoản để duy trì tỷ lệ ký quỹ ban đầu. Trong trường hợp vàng tiếp tục giảm giá khiến tỷ lệ ký quỹ chỉ còn 4% thì sàn vàng sẽ tự động bán ra để tất toán hợp đồng. Nhìn nhận một cách khách quan, đòn bẩy tài chính mạnh hấp dẫn nhiều NĐT, nhưng là con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp NĐT kiếm lợi nhanh, nhưng trong trường hợp rủi ro sẽ khiến nguồn vốn bị "cụt" nhanh hơn. Trên TTCK, việc mua bán hiện vẫn theo cách "truyền thống". NĐT chỉ được giao dịch khi trong tài khoản có 100% tiền mặt hoặc chứng khoán. Do đó, những người có nhu cầu, trình độ, hiểu biết để đầu tư chứng khoán, nhưng ít vốn sẽ không có cơ hội tham gia thị trường. Một số CTCK gần đây đã nỗ lực hỗ trợ về tài chính cho NĐT nhằm kích thích giao dịch. Cá biệt, có công ty còn "lách luật" khi đưa ra hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư. Nghĩa là CTCK và NĐT cùng góp vốn đầu tư chứng khoán, trong đó NĐT đứng tên giao dịch. Điều đáng nói, cho dù kết quả đầu tư thế nào (lỗ hay lãi) thì CTCK luôn thu được một khoản lợi từ phí giao dịch và phí cho vay. Như vậy, đây thực chất là hợp đồng tín dụng (cho vay vốn để lấy lãi), chứ không phải là hợp đồng hợp tác đầu tư (lỗ cùng chịu, lãi cùng chia). Theo nhiều nhà chuyên môn, cho phép giao dịch ký quỹ trên TTCK là cần thiết, ban đầu có thể yêu cầu NĐT ký quỹ với tỷ lệ cao nhằm hạn chế rủi ro.

Có thể kể thêm một số tiện ích trên sàn vàng khiến nó thực sự hấp dẫn NĐT như thời gian giao dịch kéo dài (3 phiên: sáng, chiều, tối), sản phẩm đa dạng, cắt lỗ/chốt lời tự động... Như tại sàn giao dịch vàng của VGB, khách hàng có thể mở 2 tài khoản: tài khoản ký quỹ và tài khoản không kỳ hạn (hai tài khoản liên thông với nhau). Khi hoạt động đầu tư có lãi, tiền lãi được chuyển sang tài khoản không kỳ hạn để hưởng lãi suất cao. Khi tỷ lệ ký quỹ giảm sút do giá vàng biến động, tiền được chuyển từ tài khoản không kỳ hạn sang tài khoản ký quỹ để tạo lập mức ký quỹ cần thiết, tránh tình trạng sàn vàng phải bán vàng trên tài khoản nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT…

Trên thực tế, những tiện ích mà các sàn giao dịch vàng đang triển khai đã được UBCK đề cập từ lâu nhằm "cởi trói" năng lực giao dịch cho TTCK. Tuy nhiên, trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay, cơ quan quản lý tỏ ra thận trọng, dẫn đến trì hoãn việc triển khai. Bình tĩnh nhìn nhận, không ít chuyên gia cho rằng, nhiều sản phẩm phái sinh của các thị trường phát triển vẫn rất ưu việt và TTCK Việt Nam để phát triển thì dù muốn hay không cũng sẽ phải triển khai. Bối cảnh thị trường đang đi xuống như hiện nay là cơ hội để thí điểm thực hiện các sản phẩm đó.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ