Nhà tỷ phú Mỹ Gerald J. Ford đã mất hai năm để tìm ra một ngân hàng yếu kém để mua lại và hai năm sau đó, ông bán lại cho ngân hàng lớn nhất nước Nhật Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. với giá gấp ba lần.
Hôm thứ Hai tuần này, Ford thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại Ngân hàng Pacific Capital Bancorp cho một công ty con của Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. (MUFG) với giá 1,5 tỷ USD.
Hồi năm 2010, Pacific Capital cũng như một loạt ngân hàng khác lao đao trong cuộc khủng hoảng tài chính với các khoản nợ xấu khổng lồ liên quan đến cho vay thương mại và cho vay bất động sản. Rất nhiều chuyên gia phân tích tài chính khi đó nói rằng, thời gian sống sót của Pacific Capital chỉ còn đếm từng ngày.
Ford, nhà tài phiệt điều hành các quỹ góp vốn tư nhân và đang tìm cách mua bán các ngân hàng yếu kém, khi đó đã bỏ ra 500 triệu USD để mua 91% cổ phần của Pacific Capital cùng với hai ghế hội đồng quản trị, thông qua một công ty con của hãng Ford Financial Fund L.P.
Cổ đông lớn của Pacific Capital khi đó là chính quyền liên bang đã thỏa thuận hoán đổi các cổ phần ưu đãi của mình thành các cổ phiếu thường, giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 7%. Các cổ đông khác hầu như bị đẩy ra ngoài. Bản thân Ford khi đó cũng đã thừa nhận với báo giới rằng, thương vụ mà ông đang thực hiện là “rất mạo hiểm”.
Tuy nhiên, thương vụ này đã vực Pacific Capital dậy, biến nó thành một ngân hàng làm ăn có lãi. Ngân hàng này năm ngoái đã báo lãi 70 triệu USD và cuối cùng là lọt vào “mắt xanh” của “đại gia” MUFG bắt đầu từ cuối tháng 12/2011. “Đó là một cảm giác ngọt ngào pha đắng bởi đây gần như là ngân hàng tốt nhất mà chúng tôi từng có”, Ford nói.
Về phía MUFG, thương vụ này giúp mở rộng sự hiện diện của Ngân hàng California. Pacific Capital với tổng tài sản 5,9 tỷ USD đang có 47 chi nhánh ở địa phận này. Tại đây, MUFG cũng đã chiếm vị trí thứ tư về tiền gửi, đồng thời nắm trong tay UnionBanCal Corp. với 90 tỷ USD tài sản và với 414 chi nhánh đặt tại các bang lớn của Mỹ như California, Washington, Oregon, Texas và New York.
Thương vụ đánh dấu một chiến thắng hiếm hoi trong một loạt phi vụ mua lại các ngân hàng và các tổ chức yếu kém trong thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, Ford thành công một phần nhờ việc ông sẵn sàng bán Pacific Capital đúng lúc. Còn các nhà đầu tư khác lại thường muốn khôi phục lại ngân hàng hoặc tổ chức tài chính mà họ đầu tư trước, sau đó mới mua lại tổ chức đó rồi cuối cùng là bán khi tổ chức này đã lớn mạnh.
Cho đến thời điểm này, mặc dù nhiều ngân hàng đã giải quyết được danh mục các khoản nợ xấu để lại từ thời kỳ kinh tế khủng hoảng, nhưng vẫn phải vật lộn với vấn đề chi phí quản lý tăng cao, lãi suất thấp và tăng trưởng tín dụng không bền vững.
Trước Pacific Capital, một ngân hàng tương tự khác là BankUnited Inc. cũng đã phải hủy bỏ kế hoạch tự bán mình hai tháng trước đây, do các lời chào mua thấp hơn quá nhiều so với kỳ vọng. Mặc dù các hãng góp vốn tư nhân đầu tư vào ngân hàng này từ năm 2009 cũng đã thành công trong việc khôi phục Ngân hàng và thu về hàng trăm triệu USD sau khi bán ngân hàng này ra công chúng, việc thiếu hoặc không tìm được người mua thiện chí vẫn bị xem như một sự thất bại.
Ford làm nên tên tuổi từ cuộc khủng hoảng tín dụng vào những năm 1980. Ông lập nhóm với nhà tài chính New York Ronald Perelman để mua 5 quỹ tiết kiệm của Texas, rồi cải tổ và sáp nhập các quỹ này vào với Golden State Bancorp. Citigroup sau đó đã mua ngân hàng này với giá 5,3 tỷ USD vào năm 2002.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, ông cũng đã được chính quyền cho phép mua bán các ngân hàng, nhưng ông dường như vẫn đi chậm hơn các đối thủ trong việc tìm ra một đối tượng đầu tư thích đáng. Ông bỏ qua những “miếng ngon” lớn như BankUnited và IndyMac Bank, rồi lại để mất Downey Financial Corp. của Newport Beach và Guaranty Bank của Austin vào tay các đối thủ khác.
Tuy nhiên, cuối cùng thì Ford cũng tìm ra Pacific Capital. "Các cộng sự của tôi đã làm rất tốt, họ giải quyết các vấn đề của ngân hàng nhanh hơn tôi có thể tưởng tượng”, Ford nói.
Paul Murphy, Giám đốc của Cadence Bancorp LLC, một ngân hàng ở Houston nhận xét, thắng lợi của Ford là một dấu hiệu tốt cho các cuộc đầu tư vào các ngân hàng yếu kém. Tuần trước, Cadence cũng đã đồng ý mua một ngân hàng cùng địa phương Encore Bancshares Inc. với giá 250 triệu USD.
"Thành công của Ford xác nhận cho mô hình đầu tư vào những ngân hàng yếu kém. Nếu bạn có thể sửa chữa và điều hành chúng tốt, bạn sẽ có một khoản lợi rất hấp dẫn”, Murphy nói.