Tăng xếp hạng tín nhiệm lên B+
Ngày 27/2/2018, Fitch Ratings đã công bố xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) đối với MBBank tăng từ B lên B+ với triển vọng ổn định. Đây cũng là mức xếp hạng với 3 ngân hàng lớn khác là VietinBank, Vietcombank, Agirbank cùng đang xếp hạng ở mức B+ với triển vọng tích cực.
Với kết quả đánh giá này, MBBank đã nâng xếp hạng nhà phát hành nợ (IDR) dài hạn lên mức B+, triển vọng ổn định, IDR ngắn hạn mức B và sức mạnh độc lập b+.
Ba ngân hàng gốc quốc doanh khác là: Vietinbank, Vietcombank và Agribank đều được xếp hạng IDR dài hạn mức B+, triển vọng tích cực, IDR ngắn hạn ở mức B. Riêng chỉ tiêu Sức mạnh độc lập của Vietinbank và Vietcombank đều ở mức b.
Triển vọng ổn định của MBBank và ACB phản ánh kỳ vọng của Fitch về chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của hai ngân hàng sẽ được duy trì do sự ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.
Xếp hạng về IDR và khả năng chịu đựng của MBBank và ACB, Fitch đánh giá đây là có “chất lượng khoản vay tốt hơn so với các ngân hàng quốc doanh" với các khoản cho vay không hiệu quả ở mức thấp hơn.
Cũng theo đánh giá của Fitch Ratings, một trong các nguyên nhân khiến tổ chức này đưa ra đánh giá tích cực là sự cải thiện về môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, với việc hoạch định chính sách kinh tế từ các nhà chức trách giúp thúc đẩy sự ổn định về kinh tế vĩ mô và khả năng dự báo.
Thắng lợi kép của MBBank
Đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức, trong từng giai đoạn, để đạt mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp thậm chí phải cân nhắc đánh đổi rủi ro trong ngắn hạn. Nhưng với MBBank, năm 2017, Ngân hàng đã đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, trong khi tiếp tục cải thiện mạnh các chỉ tiêu an toàn hoạt động và chất lượng tài sản.
Báo cáo tài chính riêng lẻ của MBBank năm 2017 cho thấy, trong năm qua, Ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tới 44,3% so với năm 2016 – mức tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Số liệu báo cáo riêng lẻ cũng cho thấy, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 22,6% so với năm 2016, vượt 11,7% kế hoạch năm.
Thu nhập lãi thuần đóng góp 81% tổng thu nhập hoạt động ngân hàng, tăng 35% so với năm 2016; tỷ lệ thu nhập trên tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương ứng là 1,54% và 16,14%, nằm trong nhóm cao nhất của các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của MBBank cuối năm 2017 là 1,21%, thấp hơn mục tiêu 1,5% của kế hoạch. Với việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và số dư trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến ngày 31/12/2017 của MBBank là 2.961 tỷ đồng, so sánh với tổng mức nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 là 2.184 tỷ đồng, MBBank cho thấy tính thận trọng trong trích lập dự phòng cũng như chất lượng tài sản rất sạch.
Đây có lẽ là lý do quan trọng khiến Fitch Ratings đánh giá cao các chỉ tiêu xếp hạng của MBBank và cho rằng, MBBank tiếp tục có khả năng sinh lời cao hơn ngân hàng khác.
Fitch nâng đánh giá ở cả xếp hạng về nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) và sức mạnh độc lập do nguồn vốn sẵn sàng để sử dụng cao hơn so với các ngân hàng khác và chất lượng tài sản liên tục cải thiện. Điều này thể hiện ở sự đa dạng hơn trong cơ cấu vốn vay và việc tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 6,8% của năm 2015 xuống 2,9% cuối năm 2017.
Tỷ lệ vốn cấp 1 theo đánh giá của Fitch tại MBBank là 11,4% vào cuối tháng 6/2017 và là mức cao nhất trong số các ngân hàng Việt theo khảo sát của tổ chức này.
Fitch kỳ vọng MBBank tiếp tục có khả năng sinh lời cao hơn ngân hàng khác, với tỷ suất lợi nhuận ròng và cơ cấu chi phí thấp hơn, qua đó nâng vốn tự có của ngân hàng.