Tháng Giêng, cơ hội trên thị trường chứng khoán ở đâu?

(ĐTCK) TTCK “mở hàng” phiên giao dịch đầu tiên của năm Mậu Tuất với những diễn biến tích cực khi nhóm cổ phiếu lớn đồng loạt tăng giá, tập trung trong VN30. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng VCB, BID, CTG, ACB, MBB, VPB… trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền và cũng tăng mạnh, kích thích dòng tiền giải ngân. Tuy nhiên, đầu tư vào đâu luôn là câu hỏi hóc búa với tất cả.
Tháng Giêng, cơ hội trên thị trường chứng khoán ở đâu?

Dõi theo khả năng FED tăng lãi suất

Thanh khoản phiên đầu năm Mậu Tuất khá mạnh với hơn 5.700 tỷ đồng giao dịch trên HOSE và gần 1.000 tỷ đồng trên HNX. Trong sự khởi đầu đẹp đẽ đó, khối ngoại lại bán ròng.

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia chứng khoán, cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang khiến dòng vốn ngoại có sự dè chừng, giao dịch của khối ngoại cần quan sát thêm chứ chưa thể khẳng định đã tạo nên xu hướng bán. Dù FED có tăng lãi suất hay không thì năm nay, nhiều ý kiến vẫn tin rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Theo dự kiến, FED sẽ họp và quyết định chính sách mới vào ngày 20-21 tháng 3 tới. Động thái này sẽ là một thông tin có thể ảnh hưởng ngay đến diễn biến thị trường tài chính quốc tế trong đó có Việt Nam.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, đây là một yếu tố khiến giới đầu tư chững lại và quan sát trước kỳ quyết định chính sách quan trọng của FED.

Bên cạnh đó, ngay trong 2 tuần đầu tháng 3, hai quỹ ETF ngoại đang đầu tư hàng trăm triệu USD trên TTCK Việt Nam sẽ tiến hành tái cơ cấu danh mục định kỳ. Thông thường, vào các kỳ cơ cấu danh mục, thị trường khó tăng điểm. Đây cũng là yếu tố khiến dòng tiền ngoại dè dặt rót vào chứng khoán.

Nhất là khi báo cáo tài chính quý IV/2017 cũng đã công bố gần hết và phản ánh vào giá nên động lực tăng giá cũng sẽ chưa lớn. Trong ngắn hạn, xu hướng thế giới đang tác động khá mạnh đến diễn biến các thị trường nói chung và Việt Nam nói riêng, do đó đây cũng là một yếu tố không thể không theo dõi sát.

Theo quan điểm của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, lo ngại về việc FED tăng lãi suất khiến dòng vốn ngoại ở các thị trường mới nổi, cận biên có khả năng bị rút về. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, bắt đầu e ngại khả năng sinh lợi của kênh chứng khoán, vì thực tế năm 2017, hầu hết các thị trường đều đã tăng điểm rất cao.

Một lý do khác, theo ông Phương là nhu cầu tiền mặt cho các đợt IPO của DNNN lớn sắp tới. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị tiền để mua hàng IPO nên có thể họ sẽ chủ động chốt lời, hoặc dừng mua mới để duy trì lượng tiền mặt.

Ông Phương cho rằng, từ nay đến hết tháng 3, khối ngoại có thể mua/bán ròng đan xen nhưng để chuyển trạng thái sang mua ròng thì chắc phải chờ sang tháng 4-5 khi thông tin mùa đại hội đồng cổ đông đã sáng tỏ. Nói chung, hoạt động bán của khối ngoại trong tháng Giêng (cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch) không khó dự báo và cũng không đáng ngại.

Dẫn câu chuyện trong quý IV/2017 và tháng 1/2018, khối ngoại mua ròng, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, không thể khẳng định việc bán ròng của khối ngoại có kéo dài hay chỉ vài phiên ngay lúc này.

Trong khoảng 2 năm gần đây, dòng vốn ngoại vào Việt Nam không chỉ đến từ các nhà đầu tư tổ chức mà còn cả nhà đầu tư cá nhân từ Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Thị trường có sự tham gia đa dạng của nhà đầu tư sẽ càng khó có khả năng giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu việc bán ròng của khối ngoại cứ tiếp diễn dài dài, có thể sẽ có ảnh hưởng không tích cực đến tâm lý nhà đầu tư nội.

Tháng Giêng, nhóm cổ phiếu nào sẽ gây ấn tượng?

Sau các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lý và xu hướng dòng tiền thường ở trạng quan sát và nghỉ ngơi. Năm 2018, diễn biến sau Tết khó dự đoán, nhất là sau khi nhà đầu tư trải qua cảm giác mất mát từ 2 phiên giảm mạnh trước Tết, không ít người đã  giảm giá trị danh mục hàng chục phần trăm.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, chứng khoán có thể chỉ hưng phấn phiên “mở hàng”, còn sau đó bản thân tiền nội cũng sẽ có thể giao dịch co cụm và thanh khoản sụt giảm sau các nhịp phục hồi.

Tuy nhiên, theo ông Minh, đà phục hồi của thị trường trong phiên đầu năm Mậu Tuất được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình là ngân hàng. Nếu sự dẫn dắt của nhóm ngành tăng lên mà không có cơ sở thì đà tăng sẽ không bền vững.

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt đà tăng và tăng nhờ các yếu tố cơ bản là sức khỏe các ngân hàng được cải thiện, tốt hơn. Do vậy, nếu sự dẫn dắt của nhóm này tiếp tục được giữ vững và được hỗ trợ từ các thông tin tích cực mùa đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng, khả năng chứng khoán giảm là không đáng lo.

Chiến lược thích hợp ở thời điểm hiện nay, theo ông Minh là nên quan tâm tới việc doanh nghiệp còn tăng trưởng hay không, nên chọn doanh nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, khoảng trên 10%/năm.

Nếu chỉ nhìn P/E đơn thuần, khó chọn được cổ phiếu đáng mua vì P/E đã cao, còn các doanh nghiệp có P/E rất thấp thì đều có những câu chuyện riêng, bất thường trong đó. Sóng dẫn đầu vẫn là nhóm ngân hàng, hút dòng tiền vẫn ở một số cổ phiếu chứng khoán và bất động sản nhưng có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp chứ không phải cứ chạm vào hàng loại này là thắng.

Quan điểm từ chuyên gia MBS cho rằng, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền nhưng cần có sự chọn lọc. Ngoài ra, một số cổ phiếu có liên quan đến thoái vốn, có câu chuyện hoặc có lợi thế riêng biệt cũng rất đáng quan tâm, nhưng không dễ để tìm ra loại “hàng” này.

Cổ phiếu dầu khí thời gian qua nhiều mã đã tăng mạnh nhờ diễn biến giá dầu, nhà đầu tư nên chờ điều chỉnh về mức hợp lý hơn và chờ thêm kết quả kinh doanh tốt hơn. Về cơ bản, cổ phiếu nên được chú ý vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - yếu tố cốt lõi cho sự tăng trưởng giá cổ phiếu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị, nếu nhà đầu tư đang có sẵn có phiếu và có lời thì có thể xem xét chốt lời, nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt thì cân nhắc mua cổ phiếu tốt nhưng chưa tăng mạnh và chỉ nên mua ở những phiên điều chỉnh.

Trong tháng Giêng này, chiến lược được các chuyên gia khuyến nghị với nhà đầu tư là nên theo quan điểm đầu tư ngắn hạn, còn để đầu tư trung và dài hạn thì nên chọn lọc cẩn trọng và chờ đợi thêm các thông tin từ doanh nghiệp trong mùa đại hội đồng cổ đông 2018.

Cẩn trọng với dòng vốn đầu tư từ các quỹ mở và ETF

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, dòng vốn nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam khá mạnh mẽ thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở. 

Chính vì vậy, mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng từ mức 10 - 11% trong các năm trước lên khoảng 15% vào nửa cuối năm 2017.

Chỉ riêng tháng đầu năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương 35% giá trị mua ròng cả năm 2017 (không tính giá trị thoái vốn Nhà nước tại SAB). Do đặc điểm đầu tư riêng biệt của quỹ ETF và quỹ mở là phân bổ danh mục đầu tư tập trung vào nhóm cổ phiếu có tỷ trọng vốn hóa lớn trong rổ VN30, dẫn đến mức định giá PE ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng rất mạnh trong những tuần đầu năm 2018. PE nhóm VN30 tại thời điểm cuối tháng 1/2018 vào khoảng 19,4 lần, cao hơn 56% so với PE của nhóm vốn hóa trung bình.

Nhờ hấp lực tốt với dòng tiền, Rồng Việt cho rằng, phân bổ một phần danh mục đầu tư vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận cao năm 2018. Tuy nhiên, ở mức PE khá cao hiện tại, rủi ro đi cùng ở nhóm này cũng cao tương ứng nếu các quỹ mở đột ngột bị rút vốn.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục