Tháng 8: Thị trường tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn

(ĐTCK-online) Nhìn từ góc độ vĩ mô, thị trường tháng 8 không chịu nhiều sức ép do các chỉ số chứng khoán toàn cầu như Dow Jones, S&P 500, Nikkei, FTSE... đều đang giữ vững các mốc tâm lý quan trọng; kinh tế trong nước tiếp tục trong tầm kiểm soát về lạm phát, GDP, tỷ giá, cán cân thương mại.
Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ dừng ở mức 20% thì thị trường không có nhiều cơ hội tăng tốc. Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ dừng ở mức 20% thì thị trường không có nhiều cơ hội tăng tốc.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ thị trường, đà tăng điểm của VN-Index vẫn bị chi phối bởi nhiều yếu tố như dòng tiền mới, cung - cầu cổ phiếu, áp lực bán và tâm lý dè dặt, chưa sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT. Các yếu tố trên đều tác động đan chéo nhau và không dễ thay đổi trong ngắn hạn.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8, chúng tôi tiếp tục nhận định thị trường dựa trên ba hướng tiếp cận chính: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích dựa trên tâm lý NĐT.

Tháng 8: Thị trường tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn ảnh 1

 

Phân tích cơ bản

Theo phân tích cơ bản, thị trường tháng 8 chịu chi phối bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, thị trường trong nước dần tách khỏi xu hướng của thị trường thế giới. Sau một thời gian dài thị trường trong nước bị chi phối bởi diễn biến kinh tế toàn cầu do tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và nguy cơ suy thoái kinh tế, thị trường trong nước có xu hướng dần tách khỏi và đi lùi so với các chỉ số Dow Jones, FTSE hay MSCI từ giữa tháng 7. Chúng tôi nhận định, vai trò định hướng thị trường trong nước của TTCK thế giới sẽ tiếp tục mờ nhạt trong tháng 8 và có thể trong thời gian còn lại của năm 2010 do các nguyên nhân sau:

- Nguy cơ khủng hoảng và suy thoái đã cơ bản được giải tỏa, sức ép tâm lý do đó đã giảm đi đáng kể. Kinh tế trong nước chưa có những dấu hiệu bị ảnh hưởng trực tiếp;

- Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay tương đối khác biệt so với  phần còn lại của thế giới do tính chu kỳ của nền kinh tế, mặt bằng lạm phát khá cao và các nút thắt trong chính sách điều hành. Kỳ vọng của NĐT vào sự thay đổi mạnh mẽ của chính sách tiền tệ hiện nay đã giảm đi rất nhiều so với quý II. Nếu tăng trưởng tín dụng quý III tiếp tục duy trì như quý II, chính sách tiền tệ năm 2010 sẽ mang tính chất duy trì hoạt động tối thiểu của nền kinh tế hơn là thực sự nới lỏng như kỳ vọng ban đầu.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô không có nhiều biến động. Không có sự đột phá trong các chính sách kinh tế, các yếu tố vĩ mô trong tháng 7 được dự đoán sẽ tiếp tục được duy trì trong tháng 8:

- Lạm phát thấp, tương đương với mặt bằng tháng 6 - 7;

- Tỷ giá tăng nhẹ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, một phần do các DN bắt đầu mua vào USD để trả các khoản vay ngoại tệ từ đầu năm (tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 6 tháng đầu năm cao gấp khoảng 5 lần tăng trưởng tín dụng đồng nội tệ);

- Tăng trưởng GDP vẫn được duy trì theo chỉ tiêu đề ra đầu năm;

Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của chúng tôi là khả năng nguồn tiền mới được đưa vào nền kinh tế thông qua các chính sách tăng trưởng tín dụng mạnh tay của NHNN tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chỉ đạo của Chính phủ gần đây là giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 20 - 25%. Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ dừng ở mức 20% thì kịch bản của dòng tiền yếu trong 6 tháng đầu năm (tăng 10,5%) sẽ tiếp tục được lặp lại và thị trường không có nhiều cơ hội tăng tốc, thậm chí có thể giảm sâu hơn mức 500 điểm trước khi hồi phục. Nếu NHNN quyết tâm đạt mức tăng trưởng tín dụng 25% thì cần sự đột phá trong cách thức thực hiện, đặc biệt là thay đổi về mặt chính sách và các quy định về sử dụng nguồn tiền từ thị trường mở. Trong điều kiện NHNN đang tập trung củng cố hệ thống ngân hàng, đảm bảo quản trị rủi ro (như tăng hệ số CAR) thì rất khó có thể kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách theo hướng ngược lại trong ngắn hạn. Đồng thời, theo quan sát của chúng tôi, với các động thái trong thời gian qua sau 3 tháng lạm phát ở mức thấp, NHNN dường như vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát hơn tăng trưởng tín dụng trong năm 2010.

Thứ ba, kết quả kinh doanh quý II của các DN không còn vai trò định hướng thị trường. Tính đến cuối tháng 7, với khoảng hơn 50% DN niêm yết công bố kết quả kinh doanh, xu hướng của quý II đã cơ bản được định hình. Đúng theo nhận định của hầu hết chuyên gia, kết quả kinh doanh quý II không có nhiều bất ngờ, do đây là quý kinh doanh thấp điểm nhất trong năm và mặt bằng tăng trưởng tín dụng quý II không đột biến. Trong 2 tuần đầu của tháng 8, khi các DN còn lại công bố kết quả kinh doanh, chúng tôi nhận định, xu hướng chung của thị trường sẽ không chịu tác động mạnh. Tuy nhiên, nếu thanh khoản được duy trì, NĐT có thể sẽ tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư dựa vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và dự kiến phần còn lại của năm 2010.

Với mặt bằng vĩ mô không có nhiều biến động, thị trường tháng 8 tiếp tục chịu áp lực của yếu tố cung - cầu:

- “Hàng - tiền” tiếp tục không cân đối: trong năm 2009, khi tăng trưởng tín dụng đạt 38% thì hầu như chỉ đếm được trên lòng bàn tay số DN mới niêm yết. Chia tách cổ phiếu cũng hạn chế; thay vào đó là xu hướng mua cổ phiếu quỹ nên lực cầu mạnh, hỗ trợ rất tốt thị trường. Năm 2010, bất chấp cảnh báo về áp lực nguồn cung cổ phiếu, các DN vẫn tiếp tục kế hoạch niêm yết và phát hành thêm ồ ạt. Trong điều kiện mặt bằng tăng trưởng tín dụng đồng nội tệ hiện nay chưa bằng 50% cùng kỳ năm 2009, thị trường đang nghiêng mạnh về “cung”. Thậm chí, nếu NHNN nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, nguồn tiền mới chưa chắc đã hấp thụ hết được nguồn cung giá rẻ hiện nay. Bên cạnh đó,  rào cản của việc tăng hệ số an toàn CAR của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu. Chúng tôi không lạc quan về khả năng thị trường bứt phá như năm 2009, đồng thời khuyến nghị NĐT thận trọng khi dòng tiền không được cải thiện hoặc có dấu hiệu suy yếu.

- Blue-chip hay pennychip? Hai phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 chứng kiến sự thay đổi đáng kể của các mã blue-chip so với mặt bằng chung của quý II. Với tỷ trọng vốn hóa lớn, blue-chip sẽ quyết định xu hướng tăng trưởng của VN-Index. Tuy nhiên, để blue-chip tăng điểm, cần một nguồn tiền lớn chảy vào thị trường - vốn là điều khó khăn trong giai đoạn hiện nay như chúng tôi phân tích ở trên.

So sánh giữa blue-chip và pennystock, các mã penny vẫn có lợi thế tăng điểm do nguồn cung cổ phiếu hợp lý và được các nhà đầu cơ quan tâm nên dòng tiền cũng được ưu tiên. Xét từ góc độ cân đối cung - cầu, chúng tôi khuyến nghị NĐT ngắn hạn phân bổ nhiều hơn vào các mã có vốn hóa trung bình và có các chỉ số tài chính cơ bản tốt, đang được giao dịch ở mức 1x – 2x để tìm kiếm các cơ hội trong điều kiện thị trường lình xình trong giai đoạn hiện nay.

Phân tích dựa trên tâm lý NĐT

Sau thời gian dài thị trường không có nhiều biến động và VN-Index ở mức thấp hơn kỳ vọng, tâm lý NĐT đã dần ổn định, nhất là đối với NĐT vẫn quyết tâm “bám” thị trường. Chúng tôi có nhận xét về xu hướng tâm lý NĐT tháng 8 như sau:

- Tâm lý “đám đông” sẽ tiếp tục giảm bớt vai trò khi NĐT tập trung vào penny nhiều hơn blue-chip. Để tìm được các mã penny có chất lượng đòi hỏi nhiều thời gian và thông tin cập nhật hơn, nên mức độ rủi ro trong các quyết định đầu tư cũng tăng theo, do đó “đua” theo các mã cổ phiếu nóng thiếu các thông tin hỗ trợ không phải là sự lựa chọn tối ưu của các NĐT cá nhân trên thị trường;

- Sau thời gian dài thị trường không có nhiều biến động bất chấp các thông tin tốt - xấu đan xen nhau từ cả trong và ngoài nước, để tâm lý NĐT thay đổi mạnh cần có các “chất kích thích” mạnh hơn. Yếu tố duy nhất hiện nay có thể tạo bước đột phá là tăng trưởng tín dụng từ các thay đổi trong chính sách của NHNN, vốn không được chúng tôi kỳ vọng như phân tích cơ bản ở trên. Nếu tâm lý “hưng phấn” không sớm xuất hiện và dòng tiền suy yếu, sự chán nản của NĐT có thể tác động tiêu cực tới xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, xét về dài hạn, tâm lý của NĐT đối với mốc 500 điểm nhìn chung khá lạc quan.

 

Phân tích kỹ thuật

Chỉ số VN-Index trong tháng 7 tiếp tục dao động trong vùng 490 - 512 điểm, thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức trung bình (bình quân dưới 2.000 tỷ đồng/phiên). Sau khi hình thành đáy thấp nhất trong tháng 7 vào ngày 29/7, chỉ số VN-Index đã chính thức hình thành kênh dao động song song, dự kiến trong tháng 8, chỉ số này sẽ tiếp tục dao động chủ yếu trong kênh dao động trên ở vùng 480 - 515 điểm. Trong trường hợp VN-Index phá vỡ ngưỡng cản trên thị trường sẽ tăng điểm mạnh lên vùng 545 - 550 điểm và ngược lại, khi phá vỡ ngưỡng cản dưới, chỉ số này sẽ tiếp tục lùi sâu về vùng 445 - 450 điểm.

Chỉ số RSI liên tục hình thành các mức đáy cao hơn trong trung hạn, kết hợp với mô hình chuyển động của VN-Index đã đưa ra dấu hiệu bullish divergences (dấu hiệu phân kỳ tăng điểm), đây là tín hiệu tăng điểm tốt cho chỉ số VN-Index trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, chỉ số dòng tiền MFI đang ở vùng over-sold (quá bán) và đường MFI (fast) đã cắt đường MFI (slow) đi lên, các yếu tố trên đã củng cố cho xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn của VN-Index. Đường MACD tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, cho thấy xu hướng tích lũy của thị trường về trung hạn nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 8. Chúng tôi nhận định, trong tháng 8, tích lũy trung hạn sẽ là xu hướng chính, bên cạnh xu hướng retest các ngưỡng cản trên tại 512 - 515 điểm và ngưỡng cản dưới tại 480 - 485 điểm.

Khuyến nghị các nhóm ngành và các mã cổ phiếu đáng quan tâm trong quý III, NĐT có thể tham khảo trong báo cáo chiến lược phân bổ ngành quý III của SME trên trang web www.smes.vn. Phân tích về hiện tượng blue-chip và pennystock cũng được trao đổi chi tiết tại hội thảo “Giải mã hiện tượng blue-chip và pennystock” ngày 2 - 3/8.

Nguyễn Việt Hùng, Khối Phân tích - Đầu tư CTCP Chứng khoán SME
Nguyễn Việt Hùng, Khối Phân tích - Đầu tư CTCP Chứng khoán SME

Tin cùng chuyên mục