Tháng 7, chờ những thông tin đột biến

(ĐTCK) Năm 2016 đã đi qua nửa chặng đường và tháng 7 là cơ hội để nhà đầu tư có thể gặt hái thành quả nếu theo sát thông tin doanh nghiệp và dự báo tốt tình hình kinh doanh. 

Những ngày này, bất chấp sự kiện Brexit đang nóng lên tại các thị trường quốc tế, TTCK Việt Nam vẫn đang tăng điểm bởi những lý do rất riêng.

Thông tin CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% dường như là liều thuốc kích thích đủ mạnh với thị trường. Tất nhiên, nới room chỉ là cái cớ. Ẩn sau câu chuyện này là kỳ vọng của thị trường về khả năng tăng giá cổ phiếu VNM, khi bản thân Vinamilk là doanh nghiệp đầu ngành sữa của Việt Nam cả về quy mô và hiệu quả kinh doanh. Thị trường kỳ vọng, việc nới room có thể là bước dọn đường cho thoái vốn của SCIC, mà như thường lệ, cổ phiếu thường tăng giá trước và sau mỗi đợt thoái vốn.

Thống kê cho thấy, hầu hết các mã chứng khoán trước và sau khi SCIC thoái vốn thành công, có thể tăng 50%, thậm chí tới gần 100% so với mức giá bình quân của giai đoạn trước đó. Cạnh tranh để mua thâu tóm, có thêm cổ phiếu tự do trên thị trường… là những yếu tố giúp thoái vốn Nhà nước tại các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên UPCoM trở thành hàng “hot” trên thị trường. Trong quý II/2016, thị trường còn chứng kiến sự tăng giá ấn tượng của nhiều cổ phiếu ngành dược, với lý do tương tự câu chuyện Vinamilk.

Khi các trụ cột thị trường đồng loạt tăng điểm, nhà đầu tư hào hứng, bỏ lại hết những lo âu. Song yếu tố khiến thị trường tháng 7 sẽ sôi động hơn có lẽ lại nằm ở kết quả kinh doanh các doanh nghiệp. Tháng 6 là khoảng thời gian các doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin kết quả kinh doanh quý II và sau đó là báo cáo tài chính bán niên soát xét.

Các cổ phiếu họ dầu khí, đặc biệt nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật khai thác, do kết quả kinh doanh thường có độ trễ so với biến động giá dầu, có thể sẽ không đạt được hiệu quả kinh doanh tốt như trong quá khứ, ngoại trừ những doanh nghiệp sử dụng đầu vào là sản phẩm đầu ra của các nhà máy hóa phẩm dầu khí.

Tương tự, câu chuyện khó khăn có thể cũng tiếp tục xảy đến với các doanh nghiệp ngành chế biến thủy, hải sản. Trong khi đó, ngành thép, với diễn biến giá phôi thép tăng mạnh, có thể tiếp tục phản ánh sự thay đổi giá này vào lợi nhuận quý II. Bất động sản, xây dựng – có thể là sự phân hóa mạnh giữa các doanh nghiệp.

Không có một mô tuýp chung cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành, nhưng tháng 7 sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm, lựa chọn những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh khả quan, đột biến. Trong lúc tìm kiếm cơ hội đầu tư từ kết quả kinh doanh, lựa chọn những doanh nghiệp có phương án chia cổ tức cao cũng là một hướng khả thi và… dễ hơn nhiều đối với cộng đồng nhà đầu tư đại chúng.

Theo quy định, doanh nghiệp phải chia cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ khi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, do đó, tháng 7 cũng là thời kỳ cao điểm cho các đợt chốt chia cổ tức lớn. PVT, DVP, PSL… đều đã tăng giá rất ấn tượng, với sự góp mặt của những thông tin liên quan đến tỷ lệ chia cổ tức cao.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục