VN-Index biến động thất thường
Sau 3 phiên tăng điểm, chỉ số VN-Index ngỡ đang trong nhịp hồi phục từ mức đáy ngắn hạn thì ngay phiên giao dịch ngày 16/5 đã giảm gần 19 điểm, đóng cửa ở mức 1.054,62 điểm, khiến cường độ phục hồi của thị trường chứng khoán yếu đi. Đà giảm bắt nguồn từ chính những cổ phiếu đầu tàu của thị trường giai đoạn trước. Các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG… đồng loạt giảm cùng với một số blue-chips như VNM, MSN, VJC, VRE, VIC.
Việc chỉ số rung lắc, biến động trong cả phiên giao dịch ngày 16/5 cho thấy tâm lý thị trường vẫn đang giằng co, đặc biệt khi động lực tăng của thị trường chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu lớn.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Hữu Bình, một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm cho biết, khi tâm lý lo lắng, thận trọng vẫn bao trùm thì thị trường chứng khoán khó có cơ hội tăng mạnh. Thị trường cần thêm thời gian giao dịch để ổn định, cải thiện một số yếu tố như thanh khoản, cũng như động thái bán ròng của khối ngoại.
“Những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu cũng không nên sốt ruột bán – mua quá nhiều, mà nên chờ cơ hội xuất hiện rõ ràng, bởi càng mua đuổi, càng mua quân bình giá sẽ càng khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an trước sự bất ổn của giá. Khi cơ hội rõ nét xuất hiện, nhà đầu tư có thể tận dụng trading để thu lợi nhuận ngắn hạn”, anh Bình nêu quan điểm.
Ở góc nhìn thận trọng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thanh khoản thấp đang khiến cho xu hướng qua từng phiên của chỉ số VN-Index không thật sự đáng tin cậy. Thị trường tiếp tục diễn biến lình xình với các phiên tăng, giảm đan xen. Điều quan trọng hiện nay là phải có xác nhận của thanh khoản.
Trong kịch bản tốt, các nhóm cổ phiếu lớn sẽ thay thế nhau làm động lực kéo chỉ số, ổn định thị trường. Điều này sẽ tạo tâm lý tích cực và lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác. Tuy vậy, vẫn không thể loại trừ khả năng thị trường sẽ điều chỉnh và rung lắc mạnh. Nhà đầu tư nên theo dõi tín hiệu thị trường, chờ những giai đoạn ổn định mới đưa ra quyết định giải ngân.
Tính từ thời điểm cuối tháng 3, khi VN-Index tạo đỉnh mới cho đến nay (17/5), nhiều cổ phiếu, trong đó có một số blue-chip như VPB đã giảm đến 30%. Vậy những nhịp điều chỉnh trong thời gian này có phải là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ lệ cổ phiếu trong tài khoản?
Trên thực tế, lực cầu bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện khá mạnh mẽ kể từ tuần trước (7/5- 11/5), đặc biệt tại một số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản… Tuy nhiên, áp lực bán nhìn chung vẫn rất lớn khi dòng tiền duy trì xu hướng rút lui khỏi nhiều cổ phiếu trụ trong nhịp điều chỉnh của chỉ số. Do vậy, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, chiến lược trong giai đoạn này sẽ phân hóa và phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Cụ thể, đối với nhà đầu tư ngắn hạn, có thể tận dụng những phiên hồi phục của chỉ số để “lướt sóng” ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang ở trong trạng thái quá bán sau một giai đoạn giảm giá mạnh. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn cần cập nhật tình hình kinh doanh và đánh giá lại triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm nay, cũng như mức độ phản ánh các thông tin vào giá để cân nhắc cơ cấu lại danh mục.
Trong giai đoạn thị trường liên tục trồi sụt, chưa rõ xu hướng thì sự lựa chọn đứng ngoài thị trường sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư không ưa rủi ro, và đồng thời tạo vị thế thuận lợi hơn trong giai đoạn chỉ số vẫn đang kiểm định lại ngưỡng 1.000 điểm.
Tháng 6, chứng khoán "thử lửa" với World Cup
Thị trường chứng khoán đang đi vào vùng trũng thông tin sau mùa đại hội cổ đông và công bố kết quả kinh doanh quý I. Thông tin được xem là sẽ có ảnh hưởng đáng kể nhất tới chỉ số chứng khoán trong thời gian tới là… World Cup 2018.
World Cup sẽ diễn ra trong tháng 6 và ở thời điểm này, những thông tin về giải đấu lớn nhất hành tinh của môn thể thao vua bắt đầu trở nên sôi động. Chứng khoán và bóng đá, hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan, nhưng thực tế lại có mối liên hệ vô hình.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lịch sử 18 năm và trong khoảng thời gian đó, có 4 kỳ World Cup đã diễn ra (vào các năm 2002, 2006, 2010 và 2014). Và đã thành quy luật, trong thời gian diễn ra giải đấu thể thao này, chỉ số VN-Index đều giảm điểm. Giảm mạnh nhất là năm 2006, khi chỉ số VN-Index “bốc hơi” 43,81 điểm, tương đương mức giảm 7,98%.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) cho biết, khó có thể lý giải về mối liên hệ giữa chứng khoán với bóng đá, nhưng với việc chỉ số chứng khoán trong nước đều giảm trong 4 kỳ World Cup vừa qua thì cũng cần nhìn nhận tác động tiêu cực của World Cup 2018 tới chỉ số chứng khoán trong tháng 6. Đặc biệt là khi thị trường cho thấy cần thời gian để “xốc” lại cả về tâm lý lẫn thanh khoản.
“Hơn nữa, dù gì thì sự kiện thể thao hàng đầu thế giới cũng sẽ thu hút sự quan tâm đáng kể từ một bộ phận nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Cùng với diễn biến trồi sụt của thị trường trong gần hai tháng trở lại đây và những thống kê có phần tiêu cực liên quan giữa chứng khoán và World Cup cho thấy, thị trường chứng khoán tháng 6 tiếp tục là giai đoạn thử lửa”, bà Lan nhận định.