Chờ đợi và ngóng trông
Những kỳ vọng về sự khai thông dòng tiền đổ vào thị trường; chờ đợi báo cáo tài chính quý IV/2009 của các DN niêm yết; chờ đợi các chính sách điều tiết vĩ mô sẽ sớm được định hình rõ ràng… đã giữ thị trường dao động tương đối lừng chừng trong suốt 2 tháng đầu năm 2010 (VN-Index dao động quanh mốc 480 điểm với biên độ +/-4%; KLGD khớp lệnh tại HOSE đạt mức bình quân khoảng 33 triệu cổ phiếu, tương đương với tốc độ vòng quay khoảng 1,49 vòng/năm; quy mô lệnh đặt mua và lệnh đặt bán bình quân đạt 2.127 và 2.161 cổ phiếu/lệnh đặt). Nhìn rộng ra, sự chờ đợi và ngóng trông không chỉ có ở TTCK Việt Nam mà còn thể hiện cả trên TTCK Mỹ (DJIA dao động quanh mốc 10.345 điểm +/-3% và S&P 500 dao động quanh mốc 1.107 điểm +/-3% trong suốt 2 tháng qua).
So với giai đoạn sôi động và quyết liệt của thị trường trong những tháng cuối năm 2009, hành vi mua bán của NĐT 2 tháng đầu năm nay chủ yếu mang tính chất thăm dò theo kiểu “ném đá dò đường”.
Diễn biến VNIndex 2 tháng đầu năm 2010
Các yếu tố vĩ mô
Thế giới: Các số liệu thống kê vĩ mô năm 2009 (tăng trưởng GDP, sản lượng công nghiệp, xuất khẩu...) cho thấy, các nước trên thế giới đã lần lượt thoát khỏi suy thoái và đang trên con đường phục hồi. Nhưng những số liệu thống kê này cũng cho thấy, các loại di chứng và thương tổn do cuộc suy thoái để lại cho mỗi nước là khác nhau, cả về loại hình lẫn mức độ.
Đối với các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, các gói kích thích kinh tế khổng lồ của các nền kinh tế mới nổi châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã tạo ra một thị trường tiêu thụ hấp dẫn cho hàng hóa xuất khẩu của những nước này.
GDP của những nước này đã đạt mức tăng khá trong năm 2009 nhờ sự tăng trưởng mạnh xuất khẩu và sản lượng công nghiệp, trong khi tổng khối lượng tín dụng của toàn bộ nền kinh tế không tăng và điều đó làm cho lạm phát vẫn chưa phải là mối đe dọa chính cho quá trình phục hồi của những nền kinh tế này. Trong khi đó, mối lo lắng đối với những nước này lại là vấn đề thất nghiệp, thâm hụt ngân sách và vấn đề nợ công gia tăng.
Năm 2010 sẽ là năm phục hồi của nền kinh tế thế giới, là năm chuyển tiếp để đưa mọi chuyện từ tình trạng khẩn cấp, bất thường sang trạng thái bình thường. Tuy nhiên, do các di chứng và tổn thương từ cuộc suy thoái để lại và những bất trắc có thể gặp phải trên con đường phục hồi, cho nên chính phủ các nước khó có thể đưa ra được những biện pháp chính sách vĩ mô rõ ràng và dài hơi. Thay vào đó sẽ là những điều chỉnh thận trọng, linh hoạt theo từng bước nhỏ và chính sách điều hành vĩ mô dựa trên việc đánh giá thận trọng hiện trạng nền kinh tế của mình và xét đoán thận trọng về những hành động của chính phủ các nước khác có liên quan.
Việt Nam: Cũng như các nước trên thế giới, nền kinh nước ta cũng đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. GDP trong năm 2009 tăng 5,3%.
Tuy đã thoát khỏi suy thoái nhưng nền kinh tế nước ta cũng bị tổn thương đáng kể. Sự gia tăng mạnh mẽ khối lượng tín dụng (tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2009 là 37,73%) đã làm mất cân đối mối tương quan giữa huy động và cho vay vốn của hệ thống ngân hàng và hệ quả để lại là tính thanh khoản của hệ thống bị suy giảm trong những tháng cuối năm 2009; áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng.
Để ổn định và đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế, NHNN ngay từ đầu năm 2010 đã có những bước điều chỉnh thận trọng (điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD thêm 3,4%; hạ lãi suất tiền gửi đối với USD; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các loại tiền gửi; cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn; cho phép tính thêm phí đối với các khoản vay ngắn hạn) nhằm khôi phục niềm tin của thị trường vào giá trị của đồng nội tệ, hướng đồng vốn tín dụng đến nơi có hiệu quả và giảm bớt sức ép huy động vốn của các NHTM, qua đó góp phần để các ngân hàng khôi phục lại “đường cong lãi suất” theo kỳ hạn. Việc điều chỉnh lãi suất, cũng như các công cụ và biện pháp điều hành vĩ mô khác tiếp theo sẽ được Chính phủ cân nhắc thận trong trên cơ sở xem xét diễn biến của những cân đối vĩ mô trong tháng 3 này.
Các yếu tố vi mô
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt và thận trọng như vậy, các DN cũng rất thận trọng và thực tế hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận của mình cho năm 2010 và thời điểm tháng 3 - mùa ĐHCĐ của các công ty niêm yết cũng đang đến gần.
Đối với TTCK Việt Nam, tâm lý ngự trị trong tháng 3 này chắc chắn sẽ là tâm lý thận trọng - thận trọng để xem xét chiều hướng điều hành nền kinh tế vĩ mô; thận trọng để xem xét và cân nhắc về những tác động của những điều chỉnh vĩ mô đã có đối với khả năng lợi nhuận của DN; thận trọng để lựa chọn được cổ phiếu phù hợp. Với tâm lý đó, TTCK Việt Nam trong tháng 3 này sẽ khó có những đột biến lớn.
Diễn biến VN-Index qua từng giai đoạn
31/12/2009 - 26/02/2010
Tháng 10/2009
06/05/2009 - 10/07/2009
VNIndex bình quân (điểm)
480
591.51
437.12
Biến động VNIndex (%)
+/- 4%
+/- 6%
+/- 20%
Xu hướng VN-Index (% tăng/giảm)
+ 0,43%
+ 3,10%
+ 46,02%
KLGD khớp lệnh bình quân
33.070.556 cp
73.664.525 cp
51.185.150 cp
Vòng quay cổ phiếu trong kỳ (vòng/năm)
1,49 vòng/năm
3,79 vòng/năm
3,67 vòng/năm
Quy mô lệnh (CP/lệnh đặt)
- Lệnh mua
- Lệnh bán
2.127 cp/1 lệnh
2.161 cp/1 lệnh
2.581 cp/1 lệnh
2.660 cp/1 lệnh
2.593 cp/1 lệnh
2.625 cp/1 lệnh