Tháng 12 thường ngọt ngào với nhà đầu tư chứng khoán châu Á

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK)  Nếu các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội sinh lời “ngon lành” để kết thúc năm 2020 thì thị trường châu Á được xem là điểm cần chú ý, bởi các số liệu lịch sử cho thấy tháng 12 thường là thời điểm rất tích cực.

Tháng 12 thường ngọt ngào với nhà đầu tư chứng khoán châu Á

Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương vừa có tháng 11 tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2009 tới nay với mức tăng 10,2%. Đà tăng này nhiều khả năng được giữ vững trong tháng 12 dựa theo các số liệu trong 10 năm qua. Kể từ năm 2010 cho tới nay, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng trung bình 1% trong tháng cuối cùng của năm, cao gấp đôi so với mức tăng trung bình của chỉ số S&P 500.

Đáng chú ý, hiện tại, thông tin mới về vắc xin Covid-19 đang mang tới kỳ vọng tích cực cho đà hồi phục của nền kinh tế, đồng thời đưa các thị trường châu Á quay trở lại vòng quay tăng trưởng thông thường. Dù có những mối lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới, nhưng việc phân phối vắc xin có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến.

Mới đây, chính phủ Mỹ đã cam kết sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vắc xin cho hàng triệu người dân tính tới cuối năm 2020, trong khi Anh nhiều khả năng trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận vắc xin của Pfizer Inc và BioNTech SE.

Các thị trường châu Á tăng trưởng tích cực trong tháng 12

Các thị trường châu Á tăng trưởng tích cực trong tháng 12

Tại châu Á, Trung Quốc và Đài Loan đang là những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế lành mạnh nhất tỏng khu vực. Đây cũng là những thị trường chứng khoán có màn biểu diễn tích cực bậc nhất trong tháng 11 vừa qua và được dự báo sẽ duy trì sức mạnh trong tháng 12.

Chỉ số CSI 300 tại sàn Thượng Hải tăng trung bình 3,3% trong tháng 12 trong 10 năm qua. Chỉ số Taiex (Đài Loan) cũng leo dốc trung bình 2% trong tháng cuối năm. Cả 2 chỉ số này đều tăng trưởng tích cực hơn so với một số thị trường lớn khác trong khu vực, bao gồm Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi đó, cả thị trường Trung Quốc và Đài Loan đều công bố những dữ liệu kinh tế lạc quan. Chỉ số PMI tháng 11 của Trung Quốc cho thấy các hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, một dấu hiệu rõ nét của hồi phục kinh tế. Tại Đài Loan, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ mạnh hơn trong năm 2020 nhờ nhu cầu lớn của thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm công nghệ.

“Một khi chú ý tới thị trường châu Á, khó có thể bỏ qua lĩnh vực tăng trưởng tích cực bậc nhất là nhóm công nghệ. Đây là thị trường mà công nghệ trở thành dòng chảy chủ đạo với các động lực rất rõ nét”, Manishi Raychaudhuri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tại BNP Paribas SA cho biết.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục