TTCK Trung Quốc sụt giảm đang tác động mạnh đến nhiều TTCK trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo bà, mối tương quan giữa TTCK Việt Nam và Trung Quốc như thế nào?
Quan sát mối tương quan chỉ số thị trường Việt Nam (đại diện bởi VN-Index) và thị trường Trung Quốc (đại diện bởi SHCOMP Index) cho thấy, mối tương quan thuận giữa hai thị trường khá chặt trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, mối tương quan thuận này không được duy trì bền vững.
Tức trong ngắn hạn, thị trường Việt Nam có lúc sẽ tương quan thuận với thị trường Trung Quốc, nhưng sau đó nhờ vào yếu tố nội tại của thị trường trong nước sẽ có điểm đảo chiều về mối tương quan với thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, theo thống kê mối tương quan trong ngắn hạn giữa hai thị trường trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, mối tương quan này chỉ duy trì tối đa 120 ngày. Trong khi đó, tính đến phiên giao dịch 13/1/2016, thị trường đã duy trì mối tương quan thuận với Trung Quốc được 103 ngày. Do đó, về mặt thống kê, tôi cho rằng, tác động của diễn biến tại thị trường Trung Quốc lên thị trường Việt Nam sẽ không còn duy trì mạnh trong ngắn hạn.
Bà Đoàn Thị Thanh Trúc
Tôi kỳ vọng, yếu tố trong nước sẽ giúp thị trường Việt Nam đi ngược xu hướng diễn biến tại Trung Quốc, nhất là khi giai đoạn đầu năm, thị trường thường xuất hiện các nhóm ngành, cổ phiếu dẫn dắt xu thế thị trường.
Riêng về vùng điểm dự báo trong tháng 1, tính đến hiện tại, VN-Index đã tiến sát về ngưỡng hỗ trợ mạnh 555 điểm. Từ năm 2014 đến nay, VN-Index đã 5 lần giảm dưới vùng giá này, nhưng sau đó tối đa 4 phiên sẽ hồi phục. Do đó, thị trường những ngày còn lại của tháng 1 sẽ không quá tiêu cực, vùng giá dự báo đối với VN-Index là 555 - 580 điểm.
Tháng 12/2015, khối NĐT nước ngoài bán ròng khá mạnh. Theo bà, động thái này có tiếp diễn trong tháng 1/2016, nhất là khi vấn đề tỷ giá vẫn đang là mối quan ngại của các NĐT ngoại?
Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt và không còn cam kết biên độ phá giá như những năm trước. Dự báo, trong năm 2016, tỷ giá điều hành có thể sẽ được điều chỉnh tăng dần với biên độ nhỏ, đều và trải dài trong năm. Điều này khiến cho chi phí cơ hội đối với việc đầu cơ tỷ cao hơn, từ đó loại bớt ảnh hưởng biến động tỷ giá bởi đối tượng này.
Ngoài ra, việc tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày sẽ khiến tâm lý NĐT trên TTCK trở nên thích nghi hơn và không còn những đợt hạn chế giao dịch do chờ đợi sự điều chỉnh tỷ giá. Theo đó, việc NĐT nước ngoài không giao dịch mạnh hoặc bán ròng tại một số mã cổ phiếu nào đó có lẽ sẽ không còn liên quan chặt chẽ đến tỷ giá.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu lấy mức độ mất giá tiền đồng so với USD là khoảng 5% (năm 2015) làm tham chiếu, tỷ suất sinh lợi tính trên USD của VN-Index năm 2015 ở mức 6,4% là không thực sự hấp dẫn, họ sẽ kỳ vọng năm 2016 ở mức cao hơn.
Ngoài tỷ giá, các NĐT nước ngoài cũng quan tâm nhiều đến các biến số vĩ mô, chính sách khác như tăng trưởng kinh tế, cán cân thanh toán, nợ công, room...
Việc khối ngoại bán ròng gần đây có thể đến từ xu hướng chung là sự khởi đầu không tốt của các TTCK thế giới. Theo quan sát, chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng (CDS) tại Việt Nam và nhiều các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia… đều có xu hướng bật tăng mạnh trong tháng 1. Điều này cho thấy mức độ rủi ro không chỉ riêng Việt Nam, mà các thị trường khác cũng tăng lên, dẫn đến việc dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) liên tiếp rút ra khỏi thị trường.
Theo thống kê của Bloomberg, từ ngày 2 - 11/1, dòng vốn FII rút ra tại thị trường Việt Nam là 4,3 triệu USD, tại Philippines là 38,1 triệu USD, tại Indonesia là 93,6 triệu USD, tại Thái Lan là 238,7 triệu USD, tại Ấn Độ là 340,7 triệu USD, tại Hàn Quốc là 733,8 triệu USD, tại Đài Loan là 1.481,5 triệu USD…
Có thể thấy, từ đầu tháng 1 đến nay, khối ngoại bán ròng không nhiều trên TTCK Việt Nam và xu hướng này đang giảm dần. Mặc dù vậy, trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thông tin hỗ trợ, cũng như TTCK thế giới đang bất ổn, khối ngoại có thể sẽ bán ròng nhẹ trong tháng 1/2016, chủ yếu do thiếu dòng vốn nước ngoài mới đối ứng.
Do tỷ lệ tham gia của dòng vốn ngoại trên thị trường gần đây chỉ khoảng 11 - 13%, nên tôi cho rằng, vốn nội thuần mới quyết định xu hướng của thị trường.
Với nhận định thị trường như trên, bà có khuyến nghị gì về chiến lược đầu tư?
Với nhận định về xu hướng VN-Index như trên, tôi đánh giá khá cao các mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến chỉ số như: VNM, FPT, BVH, VCB, BID…, khi VN-Index hồi phục thì các mã này thường tăng giá trước tiên.
Đối với NĐT tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn cho cả năm 2016, tôi vẫn đánh giá cao các xu hướng đầu tư theo hướng tiếp cận “từ trên xuống”. Tăng trưởng kinh tế và cơ hội từ Hiệp định TPP, các hiệp định thương mại tự do sẽ đem lại cho những NĐT theo trường phái tăng trưởng nhiều lựa chọn hơn khi tập trung vào các ngành dịch vụ phục vụ trực tiếp cho quá trình phát triển hạ tầng như xây dựng, xây lắp theo dự án, công nghệ, tiện ích công cộng, kho vận - logistics… Trong xu hướng đó, những DN đầu ngành và có nền tảng cơ bản tốt sẽ được hưởng lợi.
Đối với chiến lược đầu tư “ngược xu thế”, dành cho những NĐT giá trị với khả năng chịu đựng rủi ro cao và khung thời gian đầu tư dài, có thể áp dụng đối với những nhóm ngành đang ở đáy của chu kỳ kinh doanh như dầu khí, nguyên liệu cơ bản.