TS. Lê Xuân Nghĩa: Giữa quý I/2016, TTCK mới có thể khởi sắc

(ĐTCK)  “Ở vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, chúng tôi nhấn mạnh, rất có thể xu hướng đi lên của nền kinh tế sẽ bắt đầu từ quý II/2016. Do đó, dự báo từ giữa quý I/2016, TTCK sẽ khởi sắc”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ. 
TS. Lê Xuân Nghĩa: Giữa quý I/2016, TTCK mới có thể khởi sắc

Cần những điều kiện gì để nền kinh tế phục hồi rõ nét hơn như dự báo của ông?

Theo mô hình tính toán của tôi, một số biểu hiện đi xuống của nền kinh tế sẽ kết thúc vào quý I/2016 và từ quý II/2016 bắt đầu xu hướng đi lên. Tuy nhiên, điều hành kinh tế vĩ mô năm 2016 sẽ phức tạp hơn nhiều so với năm 2015. Cơ hội tận dụng lạm phát thấp để điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giao dục còn rất ít. Chúng ta đã bỏ qua cơ hội tăng giá một số dịch vụ trong năm 2015 do dự báo thiếu chính xác.

Nếu việc triển khai các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN đạt hiệu quả tốt, thì sẽ hỗ trợ duy trì được xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Ngược lại, nếu làm không tốt, nhất là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đầu tư công, thì khó duy trì được xu hướng tăng trưởng dài hạn.

Áp lực nhất với kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn là câu chuyện ngân sách. Nếu không có biện pháp trong giai đoạn 2016 - 2020 để giảm dần thâm hụt ngân sách, thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn về nợ công trong tương lai.

Theo phân tích của ông thì cơ hội để năm 2016 duy trì lạm phát thấp là không còn, tại sao?

Lạm phát năm 2016 sẽ chịu tác động chính bởi yếu tố điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Tuy cả 2 dịch vụ này chỉ chiếm 11% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhưng dự kiến điều chỉnh giá gấp 4 - 5 lần so với hiện tại, nên tính ra tăng tới 44% tỷ trọng. Điều này khiến Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, nếu tăng giá 2 dịch vụ này, thì có thể khiến CPI tăng tới 4%. Tuy nhiên, đây là cách tính sơ lược.

Theo tính toán của chúng tôi, CPI không tăng tới mức này. Cụ thể, áp dụng cách tính bài bản, theo vòng hội tụ, nếu tăng giá một lần cả 2 dịch vụ này, thì CPI tăng 1,9 - 2%. Nhưng giá điện năm 2016 có thể tăng, cộng thêm yếu tố này thì CPI năm tới dự báo tăng khoảng 4%.

Năm 2015, CPI tăng 0,63% nhờ giá dầu giảm sâu, làm cho giá nguyên, nhiên liệu đầu vào của các ngành sản xuất giảm.

TS. Lê Xuân Nghĩa 

CPI tăng, vậy lãi suất sẽ ít có cơ hội giảm?

Ngoài CPI được dự báo sẽ tăng trong năm 2016, thì lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) đang tăng mạnh cũng tạo áp lực tăng lãi suất, nhất là lãi suất đầu vào của các ngân hàng. Chỉ số CDS (đo lường độ rủi ro của TPCP) cũng đang có xu hướng đi lên, lúc cao nhất lên tới 300 điểm, hiện khoảng 270 điểm.

Điều này hàm ý, NĐT trên thị trường trái phiếu lo ngại rủi ro hơn. Lợi suất TPCP đi lên khiến việc huy động TPCP khó hơn, khiến nhà phát hành có thể phải chấp nhận trả lãi suất cao hơn.

Bên cạnh đó, nợ xấu có tác động không nhỏ lên lãi suất. Chúng ta xử lý nợ xấu trong bối cảnh không có tiền, thiếu hệ thống pháp lý hỗ trợ. Xử lý nợ xấu làm từ từ, nên tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí của ngành ngân hàng liên tục tăng, từ khoảng 16% tăng lên 23% hiện nay. Nguyên nhân là để xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Trong bối cảnh chi phí hoạt động cao, các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Để ổn định lãi suất, cần có sự hỗ trợ của TTCK. Hiện có 4 triệu tỷ đồng tín dụng, trong đó vốn trung và dài hạn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Do đó, nếu huy động qua TTCK tăng lên khoảng 400.000 tỷ đồng, thì sẽ giảm đáng kể áp lực vốn trung và dài hạn cho ngành ngân hàng.

Về tỷ giá, ông có nhận định gì cho năm 2016?

Tỷ giá hối đoái có điểm tích cực là vốn FDI vào Việt Nam rất nhiều. Điều này kéo theo tâm lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể quay trở lại. Thời báo Phố Wall (Mỹ) đánh giá, vốn ngoại có thể quay lại thị trường ASEAN, trong đó 2 thị trường trọng điểm là Việt Nam và Philippines, nhờ FDI vào mạnh.

Sau khi Mỹ tăng lãi suất, chúng ta đã đưa lãi suất USD xuống mức rất thấp, qua đó tăng lợi tức cho người gửi VND. Đây cũng là bước đi trong lộ trình chống USD hóa nền kinh tế. Lúc đầu, ta dự kiến lộ trình này kết thúc vào năm 2018, nhưng nay phải đẩy nhanh hơn, bởi nguy cơ nhân dân tệ (NDT) hóa, khi mà đồng tiền Trung Quốc này sẽ có mặt trong rổ tiền tệ tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ 1/10/2016.

Trong bối cảnh đó, năm 2016, NHNN sẽ đưa ra cơ chế quản lý ngoại hối đặc biệt, đó là phát triển mạnh thị trường ngoại hối, để giảm tỷ lệ USD trong hệ thống ngân hàng. Trong tương lai gần, sẽ chấm dứt cho vay và nhận tiền gửi USD. Khi đó, chỉ còn thị trường ngoại hối hoạt động thông thoáng để mua bán ngoại tệ tự do theo tỷ giá NHNN công bố hàng ngày.

Tỷ giá hối đoái còn chịu tác động bởi “yếu tố Trung Quốc”, khi họ cho rằng, NDT đang bị định giá cao so với USD khoảng 7%. Hàm ý rằng, Trung Quốc sẽ còn điều chỉnh tỷ giá trong tương lai.

Từ những phân tích đa chiều trên, ông dự báo gì về TTCK năm 2016?

Cách đây mấy tuần, khi làm việc với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, chúng tôi đưa ra 2 nhận định. Thứ nhất, các nhà phân tích phương Tây, trong đó có ông Tony Blair đã lo lắng quá mức về sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Ở thời điểm là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Nhật Bản trước đây có GDP từng tăng tới 9 - 10%/năm, nhưng nhiều năm nay chỉ ở mức 0%, vậy nhưng không thấy thế giới lo lắng gì ghê gớm. Còn nay, Trung Quốc thay Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mới chỉ giảm tăng trưởng xuống 7% mà nhiều ý kiến cho đó là thảm họa với kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, Mỹ điều chỉnh lãi suất là bình thường, nhưng lần tăng gần đây cũng bị cường độ thái quá về mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu. Chu kỳ điều chỉnh lãi suất của Mỹ ngắn nhất là 262 ngày, mức điều chỉnh 1,1%; dài nhất là 729 ngày, mức điều chỉnh 4,25%; trung bình cứ 400 ngày, Mỹ điều chỉnh 2,8% lãi suất, cao hơn nhiều so mức lãi suất mà Mỹ vừa tăng và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2016.

Tâm lý cường điệu hóa mức độ tác động của việc Mỹ tăng lãi suất khiến thị trường tài chính toàn cầu gặp trục trặc lớn. Tại sao lại như vậy? Đó là sau khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường tài chính toàn cầu trở nên bất định, hoảng sợ hơn nhiều.

Từ những phân tích trên, chúng tôi dự báo, từ giữa quý I/2016, TTCK sẽ khởi sắc, nhưng chậm và đều đặn. Điều này trùng hợp với dự báo của chuyên gia Đặng Hùng Võ về thị trường tài sản: dấu hiệu tăng của thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ từ từ, không sốc.

Hữu Hòe ghi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục