Thưa ông, HOSE trước đây đã từng xây dựng Đề án Phát triển TTCK phái sinh. Vậy Đề án mà Thủ tướng vừa thông qua có điểm gì khác so với đề án mà HOSE xây dựng?
Đề án do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xây dựng vừa được Thủ tướng thông qua có nhiều điểm mới so với Đề án do HOSE đề xuất năm 2009. Thời điểm HOSE xây dựng Đề án, chưa có Đề án Thành lập Sở GDCK Việt Nam và hợp đồng với nhà thầu cung cấp giải pháp về công nghệ thông tin cho TTCK Việt Nam cũng chưa được ký kết, vì thế, thời gian chuyển giao hệ thống cũng chưa rõ ràng. Chỉ riêng hai yếu tố này cũng góp phần không nhỏ đến quyết định về mô hình tổ chức hoạt động và mô hình giao dịch của TTCK phái sinh.
Bên cạnh đó, Đề án của HOSE chỉ đề xuất xây dựng phái sinh dựa trên thị trường cơ sở tại HOSE, trong khi đó, Đề án do UBCK xây dựng được mở rộng đến cả thị trường trái phiếu chính phủ.
Ngoài một số điểm mới như vừa nêu, chúng tôi nhận thấy, nhiều đề xuất quan trọng của HOSE về tổ chức thị trường đã được ghi nhận trong Đề án.
Khi xây dựng TTCK phái sinh, những vấn đề pháp lý quan trọng nào cần được xem xét, thưa ông?
Mặc dù chứng khoán phái sinh đã được đề cập trong văn bản pháp lý cao nhất là Luật Chứng khoán, nhưng việc tổ chức và giao dịch thì chưa có cơ sở pháp lý để triển khai do các văn bản dưới Luật chưa có hướng dẫn chi tiết. Do đó, UBCK cũng đã tiến hành xây dựng dự thảo nghị định về chứng khoán phái sinh, để làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành thị trường. Nghị định này đã được UBCK lấy ý kiến thị trường và chuyên gia thông qua tổ chức một số buổi hội thảo.
Theo chúng tôi biết, ngay sau khi Đề án được phê duyệt, UBCK sẽ thành lập Tổ triển khai đề án mà công việc đầu tiên là xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể hoá các mảng nghiệp vụ của thị trường phái sinh. Thông tư này sẽ đưa ra các quy định về điều kiện để CTCK được thực hiện nghiệp vụ trên thị trường phái sinh, về hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh, về tổ chức và hoạt động của đối tác bù trừ trung tâm (CCP), về hoạt động thanh toán bù trừ, về công tác quản lý rủi ro liên quan đến giao dịch và niêm yết, về công tác giám sát thị trường, về chế độ hạch toán kế toán, về phí và lệ phí… Sau đó, sở giao dịch chứng khoán phái sinh và trung tâm lưu ký cũng phải có quy chế hoạt động.
Còn đối với cơ sở vật chất và sản phẩm thì sao, thưa ông?
Riêng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, có 2 yếu tố quan trọng cần ưu tiên xem xét. Một là cơ sở hạ tầng trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm và hai là cơ sở hạ tầng kỹ thuật của sở giao dịch chứng khoán phái sinh và các CTCK thành viên, các ngân hàng.
Ở TTCK phái sinh, việc quản trị rủi ro thanh toán cho tất cả các bên tham gia sẽ do trung tâm bù trừ đảm nhận. Vì vậy, xây dựng trung tâm bù trừ là điều kiện tối cần thiết và phải ưu tiên thực hiện trước tiên nếu muốn thiết lập sàn giao dịch chứng khoán phái sinh tập trung. Trong đó, yếu tố công nghệ liên quan đến hệ thống thanh toán bù trừ phải được đặt lên hàng đầu, nhằm đảm bảo tính chính xác, phòng tránh sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, các CTCK cũng cần chuẩn bị một cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại để có khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro, thực hiện các giao dịch phái sinh và thanh toán bù trừ.
Vậy còn đối với sản phẩm?
Về sản phẩm, lộ trình phát triển phải đảm bảo nguyên tắc: sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu số đông của NĐT, phù hợp với đặc trưng thị trường Việt Nam, dễ hiểu và dễ sử dụng, có thể chuẩn hóa để giao dịch trên sở.
Các tính chất này phải được thể hiện bằng các quy định liên quan và đặc biệt là mẫu hợp đồng mô tả chi tiết về sản phẩm. Các Sở hiện nay đang được giao xây dựng mẫu hợp đồng cho 2 sản phẩm dự kiến được giao dịch đầu tiên đó là Hợp đồng tương lai chỉ số và trái phiếu chính phủ.
Ông đánh giá thế nào về tính cần thiết của việc thành lập TTCK phái sinh?
Sự phát triển của các công cụ phái sinh là một diễn tiến tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường tài chính, nó phản ánh mức độ phát triển sâu, rộng hơn của thị trường và cho thấy xu thế hội nhập quốc tế.
Về phía NĐT, sau một khoảng thời gian phát triển TTCK, hiểu biết của họ đã được nâng cao, làm phát sinh nhu cầu giao dịch các loại sản phẩm mới, phức tạp hơn, nhưng hấp dẫn hơn. Chứng khoán phái sinh chắc chắn sẽ là kênh sản phẩm hàng đầu thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của họ. Chứng khoán phái sinh giúp đa dạng hóa các công cụ đầu tư hiện có, đồng thời, trong bối cảnh TTCK là nơi mà cơ hội kiếm lời luôn gắn với mức độ rủi ro cao, chứng khoán phái sinh còn là một công cụ quan trọng giúp NĐT phòng vệ rủi ro hiệu quả.
Vì vậy, việc nhanh chóng xây dựng thị trường phái sinh tại Việt Nam là vấn đề không còn phải bàn cãi, nhất là khi thị trường Việt Nam đã hội đủ các điều kiện ban đầu cho việc hình thành thị trường phái sinh.
Nếu vậy tại sao không hình thành thị trường này sớm hơn, mà phải đợi đến năm 2016 thị trường mới có thể tổ chức giao dịch?
Đi liền với các lợi ích dễ dàng nhận thấy, sản phẩm phái sinh cũng tiềm ẩn không ít rủi ro mang tính hệ thống, có thể gây sụp đổ toàn thị trường, nếu không được sử dụng đúng cách. Vì vậy, các công tác chuẩn bị để thị trường đi vào vận hành là rất quan trọng, đặc biệt là công tác phổ biến kiến thức cho NĐT, công tác quản lý rủi ro, công tác đào tạo nguồn nhân lực… Ngay cả một TTCK phát triển như Hàn Quốc mà cũng đã mất đến 9 năm để nghiên cứu, xây dựng mô hình trước khi triển khai chính thức sản phẩm đầu tiên.
Mặt khác, thời điểm 2016 chính thức vận hành thị trường cũng hài hòa, thống nhất với lộ trình của các dự án quan trọng của giai đoạn 2011 - 2020 như sáp nhập 2 sở GDCK, mua sắm hệ thống công nghệ thông tin mới tích hợp cho toàn thị trường, tái cấu trúc các CTCK thành viên…
Từ đây đến lúc đó, theo ông, những sản phẩm hoặc công cụ có tính phái sinh nào có thể cho phép triển khai ngay?
Có 2 sản phẩm chúng tôi thấy có thể triển khai ngay, đó là quỹ đầu tư chỉ số (ETF) và chứng quyền bảo đảm (covered warrant).
ETF là một quỹ đầu tư được quản lý bằng cách mô phỏng theo biến động của một chỉ số chứng khoán, được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK tương tự như cổ phiếu. ETF cũng có những đặc điểm tương tự như cổ phiếu và rất minh bạch, giúp cho NĐT dễ dàng tiếp cận và đầu tư theo biến động toàn thị trường, đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Tuy không được chính thức xếp vào nhóm sản phẩm phái sinh, nhưng với đặc trưng “dựa trên biến động giá của một chỉ số cơ sở”, ETF rất giống với hợp đồng tương lai. ETF có thể được xem như một sản phẩm phù hợp và cần thiết cho việc xây dựng và phát triển thị trường phái sinh trong tương lai.
Còn covered warrant là sản phẩm phái sinh được phát hành bởi các tổ chức có uy tín (CTCK, ngân hàng đầu tư…) cho phép người nắm giữ có quyền, nhưng không phải nghĩa vụ được mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở (dựa trên một loại cổ phiếu, chỉ số có sẵn) với giá và thời điểm được xác định trước. Đây là một sản phẩm khá phổ biến ở các thị trường khu vực, thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐT.
Với nhiều đặc điểm giống như quyền chọn, nhưng lại có tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn rất nhiều, covered warrant cung cấp một công cụ phòng vệ rủi ro và giúp NĐT có thể thực hiện các chiến lược đầu tư khác nhau với chi phí thấp và an toàn.
Mặt khác, covered warrant giúp bổ sung thêm mảng hoạt động nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư và hoạt động tạo lập thị trường phái sinh, từ đó đa dạng hóa nguồn doanh thu cho CTCK thành viên, cũng là một bước đệm để hình thành hệ thống tạo lập thị trường cho các sản phẩm phái sinh sau này.
Ông có thể cho biết vai trò của HOSE trong việc xây dựng TTCK phái sinh?
Như đã nói, từ năm 2009, chúng tôi đã nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Đề án phát triển TTCK phái sinh trình cơ quan quản lý các cấp và nhiều sáng kiến của chúng tôi đã được đề cập trong Đề án.
Chúng tôi cũng là thành viên của Tổ triển khai Đề án và phối hợp cùng UBCK trong các công tác xây dựng khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện thị trường. Đặc biệt, hệ thống công nghệ thông tin mà HOSE đang là chủ đầu tư là một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ hiện đại cho các sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán với phái sinh làm một cấu phần của hệ thống. Khi khung pháp lý và các quy định về TTCK phái sinh đã định hình, HOSE với tư cách là chủ đầu tư sẽ phối hợp cùng các đơn vị thụ hưởng có những yêu cầu nghiệp vụ và kỹ thuật đối với hệ thống cho phù hợp với các quy định của Việt Nam.