Giảm giá từ 50% - 80% gắn với các chương trình khuyến mại hấp dẫn như mua sản phẩm được tặng thêm quà, mua 1 tặng 1… là những hình thức khuyến mại sản phẩm mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có thể bắt gặp ở các siêu thị, cửa hàng vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng không thận trọng sẽ rất dễ rơi vào “ma trận” khuyến mại của doanh nghiệp mà số tiền bỏ ra cho sản phẩm không đúng với giá trị thực của nó.
Tại thị trường Hà Nội đã thành thông lệ, những tháng cuối năm này, nhiều siêu thị điện máy, thời trang… tung ra các gói giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng như “Tri ân khách hàng”, “Giá rẻ cho mọi nhà” và nhiều dịch vụ ưu đãi kèm theo nhằm kích cầu tiêu dùng.
Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng thường mua sắm vào dịp cuối năm, các hãng bán lẻ cũng tích cực dán nhãn mác giảm giá đến 80% cho một số loại sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm được bán ra thường lỗi mốt, chất lượng kém được nâng giá rồi gắn mác xả hàng, thanh lý cuối năm nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Chị Trần Thị Hồng Duyên, ở quận Cầu Giấy bức xúc vì bị hớ khi mua hàng khuyến mại. Chị mới mua một chiếc máy sấy tóc nhãn hiệu Toshiba tại siêu thị Topcare, 335 Cầu Giấy với giá 132.000 đồng trong một đợt khuyến mại giảm giá. Tuy nhiên vài ngày sau khi chị Duyên ra một cửa hàng điện tử khác lại thấy cũng chiếc máy sấy tóc này chỉ có giá 120.000 đồng.
“Mỗi lần mua hàng khuyến mại trong siêu thị tôi đều khá thận trọng. Thực ra có những sản phẩm không rẻ hơn trên thị trường kể cả khi đã nằm trong chương trình khuyến mại giảm giá. Hơn nữa, người tiêu dùng rất bức xúc là khi mua các sản phẩm từ chương trình khuyến mại thì việc đổi - trả rất khó khăn”, chị Duyên bất bình.
Qua khảo sát một số mặt hàng thuộc diện giảm giá của các siêu thị cho thấy, các sản phẩm này không rẻ hơn mà vẫn có giá tương đương hoặc thậm chí cao hơn giá tại các cửa hàng bán lẻ trên thị trường.
Chẳng hạn như Siêu thị Big C Thăng Long đang có chương trình khuyến mại, trong đó Tivi SamSung 32C450 được bán với giá 8,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ở một số đại lý bán lẻ, chiếc tivi này được bán với giá 8,19 triệu đồng; Tivi Sony LCD32Bx300 trong chương trình giảm giá của Siêu thị Điện máy Pico Plaza có mức giá là 6,9 triệu đồng, nhưng sản phẩm cùng loại tại Cửa hàng điện tử số 23D Hai Bà Trưng có giá niêm yết chỉ 6,85 triệu đồng.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thực tế nhiều trường hợp gọi là khuyến mại nhưng thực chất không có chút lợi nào cho người tiêu dùng. Nhiều hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nhiều nơi giảm giá quanh năm nhưng vẫn là giá cũ, thực chất không khuyến mại gì nên người tiêu dùng cần lưu ý.
“Hoạt động khuyến mại cần nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là vào những dịp cuối năm các tổ chức cá nhân kinh doanh tung ra nhiều chương trình khuyến mại. Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra giám sát để phát hiện những trường hợp gian lận trong khuyến mại, đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”, ông Hùng chỉ rõ.
Hiện nay, hoạt động khuyến mại diễn ra gần như quanh năm tại các siêu thị, cùng lúc có 2 - 3 loại hình khuyến mại trên một mặt hàng để cạnh tranh hút khách, và tìm mọi cách bán hàng đi thật nhanh khi sản phẩm gần hết hạn bằng khuyến mại giá rẻ. Nhiều mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được các chủ cửa hàng gắn mác Việt Nam để giảm giá đánh lừa người tiêu dùng.
Do vậy, người tiêu dùng cần thận trọng khi quyết định mua một sản phẩm nào đó nằm trong chương trình khuyến mãi, đọc kỹ thông tin cụ thể từ hạn sử dụng đến giá cả, và tham khảo tại nhiều cửa hàng khác nhau trước khi đưa ra quyết định.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Aeon - Fivimart) cho biết, các nhà bán lẻ kết hợp với các nhà sản xuất để đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn cho người tiêu dùng. Trên các kênh bán lẻ có uy tín thường tuân thủ rất chuẩn theo các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về các chương trình khuyến mại.
“Về nguyên tắc, trước khi có một chương trình khuyến mại, các nhà bán lẻ đều phải trình lên Sở Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước, phụ trách về vấn đề phê duyệt các chương trình khuyến mại, đảm bảo sản phẩm đó đúng là sản phẩm khuyến mại mới đưa ra thị trường một cách an toàn”, bà Hậu thông tin.
Cảnh giác với các chiêu trò khuyến mại, giảm giá dịp cuối năm, đó là lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế đưa ra cho người tiêu dùng để tránh gặp phải cảnh tiền đã bỏ ra nhưng sản phẩm thu về lại không tương xứng với giá trị thực.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp áp dụng trong thời điểm hiện nay, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.