Tham vọng nâng hạng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo Minh nỗ lực để quay lại ngôi vị Top 3 thị phần doanh thu phí, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác như MIC, BIC… có chiến lược mở rộng nhằm nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng thị phần.
Năm 2021, thị phần doanh thu bảo hiểm của Bảo Minh đứng thứ 4, MIC thứ 5, BIC thứ 7... Năm 2021, thị phần doanh thu bảo hiểm của Bảo Minh đứng thứ 4, MIC thứ 5, BIC thứ 7...

Mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân cho giai đoạn từ nay đến năm 2026 là 23%/năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng doanh thu chung của toàn khối (dự báo tăng trên 10%), còn mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận là 30%/năm.

Nhìn lại giai đoạn 2017 - 2021, MIC là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình ngành trên tất cả các chỉ tiêu quy mô. Năm 2021, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.932 tỷ đồng, gấp 2,05 lần năm 2017 và tăng 24,6% so với năm 2020, tốc độ tăng gấp 6 lần bình quân thị trường; lợi nhuận trước thuế cũng tăng trưởng đều đặn hàng năm, đạt 281 tỷ đồng năm 2021, gấp 5,07 lần năm 2017…

MIC có cơ sở để đặt mục tiêu nâng hạng lên Top 3 các doanh nghiệp có thị phần doanh thu phí lớn nhất thị trường trong vài năm tới. Năm ngoái, hãng bảo hiểm này đã vượt lên vị trí thứ 5 về thị phần doanh thu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Dù có nội lực mạnh và quyết tâm lớn, tuy nhiên, MIC cũng nhìn nhận, nâng hạng lên Top 3 là mục tiêu thách thức. Chính vì thế, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ thực hiện 3 chuyển dịch trọng tâm là kiến tạo mô hình kinh doanh mới, phát triển sản phẩm sáng tạo và thúc đẩy kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Cùng với đó, 3 nền tảng trọng tâm khác là phát triển nền tảng số, đặt khách hàng làm trung tâm, quản trị dữ liệu sẽ được tăng cường phát triển.

Đối với ngành bảo hiểm, triển vọng dài hạn được các chuyên gia nhìn nhận tích cực khi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn đang ở mức khá thấp so với khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người có xu hướng gia tăng. Ngành bảo hiểm nhiều khả năng sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng 5 - 10% nhờ sự phục hồi của nhu cầu bảo hiểm cá nhân khi kinh tế có khả năng tăng trưởng cao trở lại sau năm 2021 tăng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với đó là doanh thu bảo hiểm bán buôn như tài sản, cháy nổ, các dự án công có giá trị lớn có dấu hiệu tích cực.

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) chia sẻ, mục tiêu 5 năm tới của BIC là Top 5 doanh nghiệp có doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thị trường. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng các giải pháp kinh doanh khai thác tối đa các tiềm năng, nguồn lực tệp khách hàng của ngân hàng mẹ và quan hệ của BIC trên thị trường, giữ vững tỷ trọng doanh thu của nhóm tài sản kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh doanh thu bảo hiểm mảng hàng hóa và tàu thủy, tăng cường hoạt động bán lẻ với các sản phẩm mới theo yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa kênh bán hàng, thúc đẩy các nghiệp vụ mà những năm trước chưa phát triển.

Trong chiến lược đến năm 2025, BIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng gần 14%/năm, lần lượt đạt gần 6.000 tỷ đồng doanh thu và 555 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ đạt 2.885 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.716 tỷ đồng, tăng 13,4%, gấp 3 lần mức tăng trưởng chung toàn thị trường, giúp BIC giữ vững vị trí thứ 7 thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 đạt 502 tỷ đồng, lọt vào “câu lạc bộ 500 tỷ đồng lợi nhuận”.

Mục tiêu phát triển đến năm 2025 của BIC không chỉ tăng trưởng về quy mô, mở rộng hoạt động gắn liền với tăng trưởng bền vững, mà còn trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ nằm trong Top 3 công ty có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường.

Sức ép phải thay đổi

Sau nhiều năm để mất vị trí Top 3 về thị phần, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh đang muốn lấy lại vị trí này trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, ở thời điểm thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là sự ra đời của những công ty bảo hiểm công nghệ, thì đây là công việc không dễ dàng. Bảo Minh sẽ phải đối mặt với áp lực giành lại thị phần cũ và sức ép giữ vững thị phần hiện tại khi các doanh nghiệp phía dưới đang áp sát.

Trong những năm tới, MIC đặt mục tiêu doanh thu tăng 23%/năm, BIC đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%/năm...

Theo thống kê của các doanh nghiệp, kết thúc năm 2021, Bảo Minh nắm giữ hơn 7,5% thị phần doanh thu phí bảo hiểm, đứng thứ tư; trong khi đó, MIC vươn lên sát nút với gần 7% thị phần.

Bảo Minh có thương hiệu mạnh, có một lượng khách hàng truyền thống và mối quan hệ với các khách hàng chủ đạo, mạng lưới trải rộng và triển khai đầy đủ các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng cũng có không ít yếu điểm như công tác phát triển sản phẩm chưa phù hợp, hệ thống công nghệ thông tin không đồng bộ, chưa phát triển, còn phải vận dụng nhiều biện pháp thủ công…

“Thị trường có quá nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là sự ra đời của những công ty bảo hiểm công nghệ, nếu Bảo Minh không thay đổi để phù hợp với thị trường thì sẽ bị tụt hậu”, Ban lãnh đạo Bảo Minh nhìn nhận.

Bảo Minh xác định, đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt gần 6.790 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng với tốc độ bình quân gần 18% mỗi năm, đạt hơn 440 tỷ đồng vào năm 2025. Để thực hiện kế hoạch, Bảo Minh sẽ tập trung tái cấu trúc, tăng cường nguồn lực nội bộ và thương vụ thoái vốn nhà nước có thể là một cú huých. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Đinh Việt Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Minh cho biết, SCIC đang tiếp tục rà soát để xin ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời điểm thoái vốn.

Trong một động thái khác, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) từng có tham vọng trở thành doanh nghiệp số 1 về bảo hiểm sau khi lọt vào Top 3 thị phần doanh thu lớn nhất và năm 2020 đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt doanh thu 11.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% thị phần (thị phần doanh thu kết thúc năm 2021 là hơn 10%). Hiện tại, các kế hoạch trên nhiều khả năng sẽ thay đổi sau khi đối tác chiến lược có cổ phần lớn nhất là VNPost đã thoái toàn bộ 22,67% vốn tại PTI vào ngày 17/12/2021. Cổ đông chiến lược và Hội đồng quản trị mới có thể sẽ đưa PTI phát triển theo một mục tiêu khác.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục