Vì sao DNBH cần rating?
Tại Hội nghị thường niên ngành bảo hiểm 2017 mới đây, ông Bùi Hữu Phú, Trưởng Phòng Phi nhân thọ, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định, việc có thêm Bảo Minh được tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế A.M.Best xếp hạng B++ đã góp phần tích cực trong việc nâng cao hình ảnh của DNBH phi nhân thọ Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, cũng như khách hàng tham gia bảo hiểm, giúp tăng cường uy tín của doanh nghiệp, nâng tổng số DNBH phi nhân thọ và tái bảo hiểm được đánh giá lên con số 6.
Như vậy, tính đến thời điểm này, ngoại trừ PVI Re và BIC (xếp hạng B+: Tốt), thì có 4 DNBH xếp hạng B++, đó là Samsung Vina, Bảo hiểm PVI, Vinare và Bảo Minh. Trong đó, Bảo Minh là DNBH phi nhân thọ Việt Nam duy nhất trên thị trường được đánh giá mức B++ ngay trong lần đánh giá đầu tiên của A.M.Best.
Một số DNBH khác như PJICO, MIC, Bảo Việt cũng đã bắt tay vào nghiên cứu/triển khai rating. Trong số này, có doanh nghiệp đã mời chuyên gia A.M.Best nghiên cứu vài năm nay, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Với việc sở hữu khá nhiều đơn vị thành viên, nên riêng khâu củng cố các hoạt động nội bộ để đáp ứng các quy chuẩn về vốn, quản trị, quản lý rủi ro cần nhiều thời gian hơn.
Kết quả xếp hạng B++, theo các DNBH có rating, sẽ phản ánh việc quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính của các DNBH ở mức tốt. Còn với người tham gia bảo hiểm, thì kết quả trên cũng giúp các DNBH tạo niềm tin lớn hơn trong mắt khách hàng.
“Ngoài đảm bảo tài chính cho người tham gia bảo hiểm, chúng tôi cũng cam kết trả tiền bồi thường nhanh, đúng điều khoản trên hợp đồng sau khi đã xác định rõ rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm. Khách hàng sẽ thêm tin tưởng nhà bảo hiểm và nhờ đó, chúng tôi sẽ có được kết quả kinh doanh tốt hơn”, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh cho biết.
Để được nâng hạng, không dễ!
Ngoài Bảo Minh, năm 2016, BIC cũng đã được A.M.Best nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ “Ổn định” lên “Tích cực” và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính B+.
Mặc dù vậy, kết quả xếp hạng này chỉ mang tính giai đoạn, nên sẽ được A.M.Best đánh giá lại hàng năm. Vì vậy, bài toán duy trì kết quả xếp hạng, cũng như để nâng hạng luôn được các DNBH chú ý như một hoạt động không thể thiếu.
Là DNBH phi nhân thọ đầu tiên được rating và 3 năm liên tiếp duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc tế mức B++ và triển vọng nâng hạng Năng lực tín dụng của tổ chức phát hành (ICR) là “Tích cực”, Bảo hiểm PVI cho biết, năm nay, PVI sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì mức xếp hạng B++ cho lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (tại Bảo hiểm PVI) và phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức B++ cho lĩnh vực tái bảo hiểm (tại PVI Re). Thậm chí, trong tương lai xa hơn, công ty mẹ PVI cho biết, sẽ hỗ trợ Bảo hiểm PVI nâng hạng xếp hạng tín nhiệm lên mức A-.
BIC cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì và tăng rating trong năm 2017. Riêng năm 2016, theo ông Trần Lục Lang, Chủ tịch HĐQT BIC, việc được nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ “Ổn định” lên “Tích cực” và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính B+ là nhờ sự hợp tác và hỗ trợ của cổ đông chiến lược nước ngoài FairFax. Nhờ đó, BIC đã tăng cường năng lực vốn hóa dựa trên rủi ro, tiếp tục duy trì tỷ lệ bồi thường thấp hơn mức bình quân thị trường và thu nhập ròng tăng trưởng đều trong 5 năm qua.
Theo tìm hiểu từ một số lãnh đạo của DNBH đã được xếp hạng khác, việc tái xếp hạng hay nâng hạng năng lực tài chính đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường năng lực vốn hóa dựa trên rủi ro, cũng như cải thiện biên khả năng thanh toán. Đó là chưa kể phải “vắt óc” cân đối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của cổ đông. Bởi thế, nâng hạng rating luôn là bài toán khó, đặc biệt với DNBH muốn được nâng lên mức A-. Trong đó, việc “tranh thủ” sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược nước ngoài là rất quan trọng, giúp DN vừa có thể duy trì thứ hạng hiện tại, vừa hy vọng sẽ được nâng hạng lên mức cao hơn.
“Để duy trì được mức xếp hạng B++, năm 2017, Bảo Minh tiếp tục nâng cao biên khả năng thanh toán, tăng trưởng vốn chủ sở hữu... Điều này không hề đơn giản, bởi các cổ đông đều muốn chia cổ tức cao. Do vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là phải tăng trưởng doanh thu cao và đạt lợi nhuận cao để đồng thời thỏa mãn cả 2 yêu cầu: chia cổ tức cao và cải thiện năng lực tài chính”, ông Thành cho hay.
Theo đó, mục tiêu kinh doanh mà Bảo Minh đặt ra cho năm 2017 là duy trì chiến lược hiệu quả và bền vững. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 7% (đạt 3.318 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2016, doanh thu tái bảo hiểm tăng 9,5%, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tới 38,5%, đạt 68 tỷ đồng; lãi trước thuế phấn đấu đạt 198 tỷ đồng để đảm bảo ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) tối thiểu đạt 7,5%.
Để đạt được mục tiêu kinh doanh hiệu quả, lấy lợi nhuận làm đầu, các DNBH như Bảo hiểm PVI, BIC và Bảo Minh đang tiếp tục quản lý chặt chẽ, giảm thiểu chi phí, giữ vững tốc độ tăng trưởng doanh thu, đặc biệt kiểm soát rủi ro từ khâu khai thác, giám định, bồi thường, cũng như kiểm soát tốt chi phí quản lý, chi phí bán hàng, đảm bảo từng đồng vốn kinh doanh có hiệu quả cao. Trong khi cạnh tranh bằng chi phí như một tồn tại cố hữu không dễ khắc phục với một thị trường khá đặc thù như bảo hiểm.
Chính vì vậy, không phải chờ đến năm nay, mà ngay từ năm trước, lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết, đã quán triệt việc tăng trưởng doanh thu phải đạt được các mục tiêu hiệu quả nghiệp vụ. Năm 2016, doanh nghiệp này gần như không tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc, lãi trước thuế khoảng 110 tỷ đồng, đứng đầu thị trường về vốn chủ sở hữu, ước đạt trên 2.700 tỷ đồng.
Còn với Bảo Minh, ông Thành cho biết thêm, để giảm chi phí, Công ty bắt đầu triển khai kênh bán hàng trực tuyến trên website nhằm công khai chính sách giá cả, với tỷ lệ chiết khấu cao cho khách hàng khi mua bảo hiểm trực tuyến tại Bảo Minh. Bên cạnh đó, Công ty cũng tiếp tục kiểm soát chặt công nợ, nâng cao hiệu quả của mảng đầu tư vốn hỗ trợ kinh doanh bảo hiểm gốc...
“Với biện pháp trên, tôi hy vọng sẽ đáp ứng việc duy trì kết quả xếp hạng ở mức B++ và tiến tới đạt mức rating cao hơn. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn”, ông Thành tin tưởng.