Thấm thía vị Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ai cũng có riêng cho mình một vị Tết. Với tôi, Tết trọn vẹn nhất là được trở về với gia đình, để cảm nhận vị Tết quê thân thuộc và nồng ấm.
Thấm thía vị Tết

Hương vị của Tết

Đi ngang qua đám trẻ trong ngõ đang túm tụm kể chuyện, tôi nghe chúng xì xào to nhỏ: “Mẹ tớ bảo năm nay ba phải trực ở đơn vị nên nhà tớ ở lại ăn Tết Sài Gòn, không về Đắk Lắk nữa”, một đứa mặt buồn rười rượi bảo. Một đứa khác tiếp lời: “Thế Hà chơi với tớ, năm nào tớ cũng ăn Tết ở đây, buồn lắm”.

Về đến nhà, tôi bất giác kiểm tra lại lịch trình chuyến bay ra Hà Nội sắp tới của mình. Tôi nghĩ, nếu mình là cô bé Hà nhà bên, chắc cũng sẽ buồn lắm. Tôi chưa từng ăn Tết xa quê, cũng chưa từng có suy nghĩ sẽ đón năm mới ở một nơi khác thay vì ở nhà, dù bạn bè xung quanh tôi có nhiều kế hoạch đi du lịch đâu đó ngày Tết. Tôi vẫn muốn trở về nhà để tận hưởng vị Tết quê của riêng mình.

Bất giác nhớ lại chiều mùng 2 Tết năm ngoái, khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm nhỏ, mẹ tôi nhận được điện thoại báo trong nhà có người dương tính với Covid-19. Ở thời điểm đó, dịch bệnh vẫn là nỗi khiếp sợ của làng trên, xóm dưới và tin này khiến cả nhà tôi coi như “mất Tết”. Và từ chiều mùng 2, nhà tôi phải dán giấy niêm phong trước cổng để cách ly. Đến khi kết thúc nghỉ lễ, tôi mới được tận hưởng nốt chút không khí Tết còn sót lại. Tổng kết năm 2022, Tết “mất vị” và khá... thất thu.

Tôi nghĩ, mỗi người đều có một vị Tết. Nhiều người than thở rằng, Tết càng ngày càng chán. Nhưng hình như, Tết chỉ chán khi chúng ta đã trưởng thành và thấm thía rõ hơn vị chan chát từ áp lực cuộc sống. Hồi nhỏ, tôi nghĩ đơn giản, Tết đến là có quần áo mới, có bao lì xì, có bánh kẹo thỏa thích. Lớn một chút, tôi sung sướng vì Tết sẽ được nghỉ học, khỏi lo bài vở, tụ tập với đám bạn đi chơi đây đó. Nhưng lớn lên, đi học rồi đi làm xa, điều hạnh phúc nhất với tôi hay nhiều người khi Tết đến chỉ đơn giản là được về nhà.

Tại một con ngõ nhỏ dành cho dân lao động Sài Gòn, tôi ngồi trong một căn phòng trọ chật hẹp, thấp mái và sơ sài của một gia đình 4 người đã dắt díu nhau sống gần 2 năm qua. Hai anh chị quê ở Bắc Kạn vào đây làm ăn, anh là công nhân một nhà máy sản xuất nhựa, chị là công nhân một nhà máy may, nhưng cách đây gần 2 tháng, chị phải nghỉ việc vì công ty giải thể.

Chị bảo, năm ngoái lương thưởng của hai anh chị cũng đủ để mua vé tàu ra Bắc và chi tiêu trong Tết, nhưng năm nay, đã sang tháng Chạp mà chưa thấy anh đả động gì đến chuyện về quê. Có lẽ, anh chị nhìn mắt nhau cũng có thể tự hiểu, năm nay một nhà 4 người sẽ đón Tết nơi đất khách. Căn phòng quen thuộc, khung cảnh quen thuộc, nhưng Tết đến sẽ lạ lẫm hơn bao giờ hết.

Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Hai đứa bé còn quá nhỏ để hiểu ba mẹ đang phải gồng gánh cuộc sống gia đình vất vả nhường nào. Chị thương chúng cứ tíu tít cả ngày hỏi mẹ bao giờ được về với ông bà. Trước khi vào đây với ba mẹ, ông bà hai bên cùng bảo nhau chăm bẵm hai đứa nhỏ để anh chị ổn định cuộc sống mới rồi mới đón con vào. Tết không về được, chị nói nhỏ, vừa thương con, vừa có lỗi với ông bà.

Nhớ đến bé Hà nhà bên, ngẫm lại mình, tôi thấy may mắn Tết đến chưa bao giờ phải rời xa vòng tay của gia đình. Đến nay, dù đi xa, nhưng mình vẫn đang làm một công việc yêu thích, tự lo cho cuộc sống của mình và Tết này tôi vẫn sẽ về nhà.

Đi để trở về

Đang trong những ngày giáp Tết 2023, thông thường, trước khi về với gia đình, tôi sẽ xách ba lô đi đây đi đó xem không khí, mùi vị Tết nơi khác ra sao. Nhưng năm nay, vì thay đổi địa điểm làm việc, tôi đành bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm không khí Tết ở một vùng đất mới như mọi năm. Tôi lại hồi tưởng một chút kỷ niệm về chuyến đi Tuyên Quang - Hà Giang giáp Tết năm 2021 - chuyến đi mang lại cho tôi nhiều dấu ấn cảm xúc nhất.

Gặm nhấm lại từng bức ảnh, thước phim về những vùng đất lần đầu đặt chân tới mà tôi vẫn còn nguyên vẹn sự rung động như ngày đầu. Chiêm Hóa mưa dai dẳng mấy ngày liền, đất trên sườn dốc trơn trượt, nhão nhoét cứng đầu bám vào từng đường chỉ giày. Sương vây kín bốn bể, len lỏi vào từng kẽ lá, để lại thứ hơi ẩm trong trẻo như thanh âm ngọt dịu của tình khúc dạo đầu. Khí trời thanh khiết, dễ chịu, nhưng vẫn khiến tôi rùng mình vì cái lạnh vùng cao.

Cái nguyên sơ hoang dại của cỏ cây, rừng núi mỗi sớm bình minh chính là tặng phẩm quý giá của thiên nhiên. Những con suối nhỏ chảy xiết, nước trong veo mơ màng ôm trọn từng hòn đá nhỏ, lơ đễnh bị nước cuốn trôi. Suối không sâu, nhưng nước mang theo cả vị ngọt của đất và hương thơm của trái rừng.

Xín Mần ngập sương lạnh, đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải toàn sương là sương, đi trên núi chỉ còn nghe thấy tiếng động cơ, còi rú vang vọng từ xa của từng đoàn xe chậm rãi đổ đèo. Cái lạnh buốt mạnh mẽ đâm lên từng đầu ngón tay, tâm trạng bỗng trỗi dậy, phảng phất nét buồn như vào đúng dịp giao mùa.

Con đường nhỏ mà ngoằn ngoèo kéo dài mãi, chạy sâu hun hút vào bìa rừng, lại thoắt ẩn, thoắt hiện sau những rặng cây dại ngả nghiêng tứ phía. Những thác nước dựng đứng, bọt nước trắng xoá mạnh mẽ trút thẳng xuống dòng suối tiên, nước bắn tung toé đập tí tách vào từng hốc đá, nhỏ giọt mãi không thôi. Cảnh sắc núi rừng trước mắt đúng là đã được tạo hóa ưu ái quá nhiều.

Tôi có mặt vào đúng dịp cận Tết, thời điểm mà những phiên chợ Tết huyên náo, tấp nập hơn hẳn ngày thường. Những thứ này tôi đều từng nhìn thấy qua tranh ảnh, sách báo, nhưng phải nhìn tận mắt mới thấy rõ sự chân thực, sống động và rực rỡ. Nghe bảo, những phiên chợ ở Hà Giang gần như vẫn giữ được nguyên vẹn nét hoang sơ, đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc mà ở miền xuôi không thể thấy được.

Nhìn mọi người túm tụm chỉ trỏ vào mấy cành đào, lại nghĩ, ngày còn bé, tôi không thích đào rừng vì màu sắc nhạt nhòa quá, cành lá đơn điệu, lại chẳng thấy hoa là mấy. Ấy thế mà chẳng hiểu sao người lớn lại mê đào rừng hơn đào vườn dưới xuôi, năm nào bố tôi cũng nhờ người tìm mua cho, rồi tự tấm tắc khen đẹp.

Sau này, vì đã lỡ yêu núi rừng vùng cao, tôi cũng yêu luôn cả mấy cành đào rừng đó. Khác với vẻ đẹp đào bích rực rỡ trên phố, đào rừng của bố kiêu sa, thanh thuần nhưng mạnh mẽ vô cùng. Đó chính là vẻ đẹp của ý chí vươn lên mạnh mẽ giữa thời tiết khắc nghiệt và sự khao khát được tồn tại của chúng.

Nhưng dù đi đâu chăng nữa, đích đến cuối cùng của tôi vẫn là gia đình. Tôi muốn trở về nhà để dõi mắt theo con đường nhỏ cờ hoa sặc sỡ, chợ Tết đông đúc, cảm nhận vị Tết cứ thế len lỏi vào từng ngõ ngách, xóm làng. Tết năm nay chưa rõ sẽ có điều gì mới, nhưng với tôi, vị Tết vẫn như thế, thân thuộc và nồng ấm.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục