Nhà băng nào đang niêm yết lãi suất cao
Bảo Anh, nhân viên marketting tại một công ty công nghệ ở Hà Nội cho biết, hôm thứ Sáu, ngày 13/1 vừa qua, công ty cô đã chi tháng lương thứ 13 và thưởng thêm 1 tháng lương cho toàn bộ nhân sự có thâm niên 12 tháng trở lên.
Sau khi nhận “ting ting” về tài khoản, cô đã lên kế hoạch mua sắm các vật dụng cho dịp Tết và một vài “bộ cánh” mới để diện Tết và cũng dành tiền mua quà về cho gia đình. Cô còn nhờ bạn làm ở ngân hàng đổi cho chút tiền mới để lì xì.
Bảo Anh cũng cho biết thêm, do được nhận cùng một lúc tới 2 tháng lương nên dịp Tết này cô có chút dư giả muốn gửi tiết kiệm để dành dụm. Qua theo dõi trên mạng xã hội và đọc báo thì thấy lãi suất ngân hàng hiện tại đang rất cao nên Bảo Anh có ý định gửi phần còn lại tiền thưởng vào ngân hàng để qua năm mới có “vốn dắt lưng”.
Qua tham khảo trên website của một số ngân hàng, Bảo Anh nhận thấy mức lãi suất cao nhất hiện nay được các nhà băng áp dụng mức tối đa 9,5%/năm, song phải gửi kỳ hạn dài.
Cụ thể, SCB hiện đang có lãi suất cao nhất ghi nhận ở mức 9,95%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, không kèm yêu cầu về hạn mức tiền gửi.
Mức lãi suất cao thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng kỳ này là 9,5%/năm đang được triển khai tại DongA Bank, LienVietPostBank, BacA Bank, HDBank, Techcombank và Saigonbank.
Nhưng mỗi ngân hàng sẽ áp dụng tại kỳ hạn và có các điều kiện đi kèm khác nhau. VPBank và VietBank cùng có lãi suất khá cao nhất là 9,3%/năm. Còn tại OceanBank và MSB đang cùng huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất là 9,1%/năm.
Tuy nhiên, với mức lãi suất 9,3-9,5%/năm nói trên được các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn dài ngày từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, Bảo Anh và một số khách hàng khác chỉ muốn gửi kỳ hạn khoảng 6 – 9 tháng trở xuống.
Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống đều được các ngân hàng áp mức kịch trần 6%/năm và thấp hơn chút đỉnh ở khối ngân hàng có vốn nhà nước.
Còn với kỳ hạn tiền gửi từ 6-9 tháng được một số ngân hàng, trong đó phải kể đến là ở một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ niêm yết mức lãi suất cao từ 8-9%/năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng Bản Việt lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 8,6%/năm. Còn tại VietA Bank lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng được niêm yết ở mức 8,6-8,7%/năm. Đáng chú ý, tại Vietbank, lãi suất kỳ hạn 7-10 tháng còn cao hơn khi niêm yết mức 9,3%/năm.
Xu hướng giảm dần từ quý II/2023
VCBS dự báo, lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm nay, sau đó sẽ dần hạ nhiệt nửa cuối năm.
VCBS dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1-1,5%. Như vậy, áp lực tăng lên của mặt bằng lãi suất vẫn còn.
Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.
VNDirect cũng đưa ra nhận định, đà tăng của lãi suất tiền gửi có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023.
Vì thế, VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 0,5% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 2-3% trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm. Lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023.
Đồng thời, Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng giúp lãi suất tiền gửi có thể giảm nhẹ.
Tình hình đầu quý III/2023 sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ cuối quý II/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần về cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia đã dự báo về lãi suất, đồng thời nhận định 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn 2022.
Mặc dù biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động, song năm 2023, lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng. Trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.
Đồng thời, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng.
Một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, với áp lực lãi vay hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Vì thế, trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 1 - 1,5% theo yêu cầu, song trước áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó giảm trong nửa đầu năm nay.
Còn các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USD và lãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Để ổn định mặt bằng huy động, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, song chỉ mới một vài ngân hàng đưa mức lãi suất tiền gửi về 9,5%, vì áp lực thanh khoản cuối năm.
Thế nhưng, tại một số ngân hàng, dù đang niêm yết mức lãi suất cao nhất dưới 9,5%, song nếu tham gia các chương trình khuyến mãi, hoặc có thể đáp ứng được một số điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, mở thêm tài khoản thanh toán online, là khách hàng thuộc diện ưu tiên…, thì người gửi tiền còn nhận được cộng lãi suất, đó là chưa kể lãi suất theo thỏa thuận “ngầm” giữa ngân hàng và khách hàng gửi tiền lớn. Do đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thực tế hiện ghi nhận vẫn là hơn 12-13%/năm.